Theo trang tin Quartz, sự im lặng của các nước sau có thể dự đoán chính quyền ông Biden trong tương lai sẽ không dễ làm việc với họ:
Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến nay vẫn chưa gửi điện mừng tới ông Biden, phản ánh thực tế chính sách của Bắc Kinh với nước Mỹ là không đổi bất kể ai nắm quyền.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng không chúc mừng ông Biden, cũng như ông Thôi Thiên Khải - đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng với kết quả bầu cử Mỹ.
"Vì ông Joe Biden được truyền thông Mỹ dự đoán là người chiến thắng, Trung Quốc sẽ phản ứng về điều này theo thông lệ quốc tế, vì kết quả chính thức phải được xác định theo luật và thủ tục", Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo.
Ông Biden đã từng chỉ trích mức thuế của ông Trump áp lên Trung Quốc là "thất thường" và hứa sẽ tham khảo ý kiến đồng minh để giải quyết căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Theo truyền thông phương Tây xác nhận, ông Joe Biden là tổng thống đắc cử Mỹ - Ảnh: CGTN
Ông Biden cũng cam kết làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương, cũng như làm sâu sắc hơn vai trò và đầu tư của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng ông Biden cách đây khá lâu đã làm ăn với Trung Quốc với tư cách cựu chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Trong những ngày đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden nói Trung Quốc "không phải đối thủ cạnh tranh".
Với tư cách là thượng nghị sĩ, ông Biden ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Trung Quốc tin rằng vị thế đứng đầu thế giới của Mỹ đang suy giảm và Bắc Kinh nhận thấy nhiệm kỳ tổng thống gây chia rẽ của ông Trump đang đẩy nhanh sự suy giảm đó theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Mặc dù dự đoán cho rằng ông Biden có thể đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại ổn định nhưng điều đó sẽ không giải quyết được những căng thẳng cơ bản, khi Mỹ đã nhận thức rõ những thách thức khi Trung Quốc trỗi dậy.
Nga
Theo nhiều cách, các mục tiêu của Tổng thống Trump đôi khi trùng lặp với Tổng thống Nga Putin. Cả hai đều muốn NATO giảm quy mô vai trò ở châu Âu, dù cho lý do của cả hai là khác nhau.
Ông Putin coi NATO là mối đe dọa gần biên giới và là dấu tích của Chiến tranh lạnh, trong khi ông Trump coi NATO là "lỗi thời" và lãng phí tiền của nước Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp: "Tôi thích Putin, ông ấy thích tôi", ông Trump nói hồi tháng 9 ở Ohio.
Ông Trump cũng lập luận rằng Nga nên trở lại nhóm G7. Nga ra khỏi G7 sau vụ Crimea vào năm 2014.
Nhưng chính quyền ông Trump cũng không để Nga dễ thở. Ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 1987 với lý do Nga không tuân thủ, mở rộng các biện pháp trừng phạt từ thời Tổng thống Obama đối với các nhà ngoại giao, doanh nhân Nga.
Trong khi đó, ông Biden ủng hộ NATO và tin rằng khối này nên mở rộng sang cả Ukraine và Gruzia. Ông Biden đề nghị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Matxcơva và thành lập cuộc điều tra độc lập về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông sẽ theo dõi chặt chẽ cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Biden.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có mối quan hệ đầy biến động dưới thời ông Trump. Chuyện bắt đầu khi ông Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ rời khỏi Syria vào năm 2018 sau khi tuyên bố đã đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS). Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh miền bắc Syria, chính quyền ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các quan chức của ông Erdogan.
Khi Ankara mua hệ thống tên lửa từ Nga, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi nhóm các nước đang chế tạo bộ phận của máy bay F-35, nhưng ông Trump khi đó từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là một trong nhiều quyết định mà ông Biden sẽ đánh giá lại. Ông gọi việc Tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi miền bắc Syria là "điều đáng xấu hổ nhất mà bất kỳ tổng thống nào đã làm trong lịch sử hiện đại về chính sách đối ngoại".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online