Theo DealStreetAsia, nhiều quỹ đầu tư đang lạc quan về Việt Nam.
Một bài viết của trang DealStreetAsia cho hay, những quỹ tập trung duy nhất vào thị trường Myanmar đang giữ quan điểm "chờ xem", trong khi những quỹ có hiện diện địa lý lớn hơn đang tính chuyển tiền sang những điểm đến khác như Campuchia hay Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến có sức hút lớn hơn cả.
"Một khi các đường biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại Việt Nam", ông Field Pickering, trưởng bộ phận đầu tư mạo hiểm thuộc Vulpes Investment Management, phát biểu. Ông Pickering là người đã mở một quỹ có tên Seed Myanmar vào năm 2016 để tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Myanamar.
"Tôi tin rằng đó sẽ là một cơn sốt đầu tư, và các thương vụ sẽ bùng nổ, đưa Việt Nam lên top trong danh sách những thị trường mới nổi thu hút vốn đầu tư nước ngoài", ông Pickering nói.
Trong 5 năm qua, nhóm 4 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - thường gọi là nhóm CLMV - đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm khoảng 6%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Và giới đầu tư đã không bỏ lỡ sự tăng trưởng này.
Theo số liệu của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào CLMV tăng trưởng 6,3% trong năm 2019. Trong đó, Việt Nam là nước đón lượng vốn FDI lớn nhất, đạt 16,1 tỷ USD, còn Myanmar là nước có tốc độ tăng trưởng vốn FDI cao nhất, đạt 55,9%.
Cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar có thể chặn đứng dòng vốn FDI chảy vào nước này.
"Dòng vốn đầu tư lẽ ra chảy vào Myanmar sẽ không chảy vào đó nữa", nhà quản lý quỹ Dave Richards thuộc Capria Vetures nhận định. "Các quốc gia khác trong khu vực sẽ hưởng lợi".
Năm ngoái, Capria có kế hoạch đầu tư 8 triệu USD vào một số quốc gia, tập trung vào Myanmar và Nepal. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị dừng và Capria dự kiến sẽ có thương vụ đầu tư đầu tiên ở Việt Nam trong năm nay, đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội ở Campuchia, Bangladesh và Nepal.
Nhiều nhà đầu tư trước đây chỉ tập trung vào thị trường Myanmar có thể đang tính mở rộng hiện diện trong khu vực. "Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển từ chiến lược chỉ có Myanmar sang một chiến lược khu vực", Giám đốc hoạt động Andrew Durke của Obor Capital phát biểu.
Cùng với đó, các doanh nhân ở Myanmar có thể chuyển hoạt động sang các quốc gia khác trong khu vực. "Đó sẽ là tổn thất của Myanmar và các nước khác trong Đông Nam Á sẽ hưởng lợi", ông Pickering nói.
Cũng giống như ông Pickering, ông Durke lạc quan về Việt Nam. "Đối với những nhà đầu tư có sứ mệnh đầu tư ở Đông Nam Á và chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận tài chính, Việt Nam vẫn là một lựa chọn tốt, với cùng những lý do đưa nước này trở nên hấp dẫn trong 10 năm qua", ông nhận xét.
Ông Richards của Capria thì cho rằng, trong khi nhu cầu các dự án hạ tầng ở Campuchia và Lào mang lại cơ hội cho đầu tư cổ phần tư nhân, Việt Nam lại nổi bật nhờ lực lượng lao động chất lượng cao hơn và một hệ sinh thái mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cần để hậu thuẫn sáng tạo ở quy mô lớn hơn.
FMO, một ngân hàng phát triển của Hà Lan đánh giá rằng Việt Nam đã xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh có khả năng tạo điều kiện cho đầu tư từ các công ty dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. "Một chính sách thân thiện với kinh doanh của Chính phủ sẽ giúp thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài tăng phân bổ vốn" vào Việt Nam - một đại diện của FMO nói với DealStreetAsia.
An Huy
Nguồn: vneconomy.vn