Tiêm kích F-35. Ảnh: Reuters.
Straits Times lập luận, mọi khí tài mà Lockheed Martin - hãng vũ khí lớn của Mỹ sản xuất, từ tiêm kích F-35 đến các tên lửa dẫn đường và laser được sử dụng để xác định mục tiêu đều dựa vào đất hiếm.
Trung Quốc chiếm tới 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu và 80% nhu cầu đất hiếm của Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc thời gian gần đây đã phát tín hiệu rằng, Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng đất hiếm làm vũ khí phản công trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Trước đó, thuế quan đáp trả giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới hàng loạt các mặt hàng, từ đậu nành, khí đốt, nhôm đã tác động mạnh mẽ tới thị trường toàn cầu và đe dọa ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Simon Moores - giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu khoáng sản Benchmark Mineral Intelligence cho hay: "Thực tế là đất hiếm lại xuất hiện trong danh sách lần nữa có nghĩa là Trung Quốc đang sử dụng công cụ chính trị mạnh nhất của mình trong lĩnh vực tài nguyên. Đất hiếm là một sản phẩm đặc biệt thích hợp và quan trọng với Bộ Quốc phòng".
Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Mỹ nhập khẩu đất hiếm khoảng 160 triệu USD trong năm ngoái, tăng 17% so với năm trước.
Mỗi máy bay F-35 - được xem là một trong những tiêm kích tàng hình tối tân trên thế giới, cần khoảng 417kg đất hiếm trong chế tạo, theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ. Đây là hệ thống vũ khí đắt nhất của Lầu Năm Góc và là máy bay chiến đấu đầu tiên được thiết kế để phục vụ trong cả 3 lực lượng của quân đội Mỹ.
Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ thông tin trong báo cáo rằng, các đất hiếm, trong đó có yttrium và terbium, được sử dụng trong laser nhắm mục tiêu và các vũ khí trên các phương tiện của hệ thống chiến đấu tương lai. Các đất hiếm khác được sử dụng cho xe chiến đấu bọc thép Stryker, máy bay không người lái Predator và tên lửa hành trình Tomahawk.
Hôm 29.5, Lầu Năm Góc cho biết đang tìm kiếm các quỹ liên bang mới để tăng cường sản xuất các khoáng sản đất hiếm trong nước và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh Washington lo ngại về vai trò nhà cung cấp của Bắc Kinh.
Đề xuất của Lầu Năm Góc đã được đề cập trong một báo cáo gửi tới Nhà Trắng và được thông báo tới quốc hội, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mike Andrew nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về sự phụ thuộc của nước này vào đất hiếm của Trung Quốc, kể cả trong một báo cáo năm ngoái những điểm yếu trong căn cứ công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Theo báo cáo năm 2016 của Văn phòng trách nhiệm kế toán của chính phủ Mỹ, Bộ Quốc phòng chiếm khoảng 1% tổng lượng tiêu thụ đất hiếm của Mỹ.
Các nguyên tố đất hiếm cũng được sử dụng trong iPhone, xe điện, tua-bin gió, nam châm vĩnh cửu...
Ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn cho biết, khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đang gia tăng.
Nguồn: Báo Lao động