Các nhà quan sát phương Tây nghi ngờ vụ nổ bí ẩn ngày 8-8 khiến 5 chuyên gia hạt nhân của Nga thiệt mạng chính là tên lửa Burevestnik - loại vũ khí hủy diệt xuyên mọi lá chắn phòng thủ Tổng thống Putin từng nhắc tới.

42 1 Vu No Bi An O Cuc Bac La Vu Khi Tan The Cua Nga

Vụ nổ kho đạn kéo dài 5 giờ ở thành phố Achinsk thuộc vùng Siberia của Nga hồi đầu tháng 8. Đây là một mùa hè nhiều sự cố đối với quân đội Nga - Ảnh: CNN

Một vụ nổ, 5 chuyên gia hạt nhân thiệt mạng, lệnh di tản một ngôi làng bị hủy giữa chừng, dấu vết phóng xạ được phát hiện xa tận bờ biển phía bắc Na Uy... là những dấu hiện khiến các chuyên gia quân sự phương Tây nghĩ đến cái tên Skyfall.

9M370, hay SSC-X-9 Skyfall theo cách gọi của NATO, là loại tên lửa có tầm bắn không giới hạn, đủ sức xuyên mọi lá chắn phòng thủ đang được Nga phát triển. Tổng thống Vladimir Putin lần đầu nhắc đến nó hồi năm 2018.

Vậy Skyfall là gì? Thật ra không ai biết. Dựa trên suy luận, giới phân tích tin rằng đó là một loại tên lửa hành trình được thiết kế mang động cơ đẩy chứa lò phản ứng hạt nhân.

Phóng xạ cao bất thường tại khu vực xảy ra vụ nổ hôm 8-8 vừa qua và dấu vết phát tán xa tận Na Uy phần nào ủng hộ các giả thuyết trên.

Theo Hãng tin RIA Novosti của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, từ chối xác nhận tin đồn rằng vụ nổ có liên quan đến tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân. Ông chỉ nói vụ tai nạn sẽ không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực phát triển năng lực quân sự của Nga.

"Đáng tiếc là tai nạn luôn xảy ra. Chúng là bi kịch. Trong trường hợp cụ thể này, điều quan trọng đối với chúng ta là ghi nhớ những anh hùng đã hi sinh trong vụ nổ" - ông Peskov bình luận.

42 2 Vu No Bi An O Cuc Bac La Vu Khi Tan The Cua Nga

Nga hiện đã sở hữu nhiều tên lửa hành trình có tấm bắn xa. Skyfall là nỗ lực mới nhất hòng qua mặt Mỹ - Ảnh: CNN

 "Vũ khí tận thế"

Ông Jon Hawkes, giám đốc thuộc Hãng phân tích quốc phòng Jane's IHS Markit, nhận định hệ thống đẩy của Skyfall có thể hoạt động theo hai cách:

(1) động cơ này dùng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ đốt nóng không khí tạo ra lực đẩy;

(2) lõi hạt nhân được dùng để làm nóng một nhiên liệu lỏng, chẳng hạn hydrogen.

"Do người Nga quảng cáo nó có tầm bắn không giới hạn, nên có thể suy luận phương án 1 khả thi hơn vì động cơ dùng nhiên liệu hydrogen có giới hạn của nó" - ông Hawkes nhận xét.

Vấn đề chính của Skyfall, theo giới phân tích phương Tây, là khí thải. Việc dùng lò phản ứng hạt nhân lắp vào hệ thống đẩy của tên lửa chẳng khác nào biến nó thành "quả bom bẩn" biết bay.

"Đây quả thật là vũ khí ngày tận thế. Không thể triển khai một thứ như vậy trừ khi đang xảy ra chiến tranh hạt nhân tổng lực. Tên lửa hành trình này có thể bay trong một thời gian dài, nhưng nó thải ra phóng xạ hạt nhân suốt thời gian đó" - tiến sĩ Mark Galeotti, thuộc Viện hoàng gia Nghiên cứu quốc phòng và an ninh (Anh), nhận định.

Hồi tháng 3-2018, Tổng thống Putin mô tả Skyfall có khả năng "bay vài vòng quanh Trái đất" trước khi khai hỏa vào mục tiêu từ một góc không ngờ đến, thậm chí lâu đến vài ngày sau khi tên lửa được phóng.

Mỹ từng triển khai một chương trình vũ khí tương tự hồi thập niên 1960, gọi là dự án Pluto nhưng bị hủy vì quá nguy hiểm vào thời điểm đó.

Theo Đài CNN, các quan chức Mỹ tiết lộ Nga đã thử nghiệm Skyfall vài lần nhưng chưa bao giờ thành công. Mặt khác, hàng loạt câu hỏi như dự án này đã phát triển đến đâu, và sự cố lần này ảnh hưởng ra sao... người ta chỉ có thể đoán mò.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC