Theo Oryx, trang phân tích thông tin chiến sự có trụ sở tại Hà Lan, tính đến đầu tháng này, tổng cộng 2.006 thiết giáp chở quân (APC) và phương tiện chiến đấu bọc thép (AFV) của Nga đã bị phá hủy, hư hại nặng hoặc tịch thu trong xung đột tại Ukraine.
Trong số này có nhiều xe bọc thép được sản xuất từ thời Liên Xô, cũng như những mẫu APC hiện đại hơn như BTR-80. Thiệt hại của Nga về xe chiến đấu bộ binh (IFV) còn lớn hơn. Kể từ đầu xung đột, Ukraine đã vô hiệu hóa 3.967 IFV của đối phương, trong đó 2.897 chiếc bị phá hủy hoàn toàn.
Các tổn thất trên gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung về phương tiện chiến đấu của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, quân đội Nga sở hữu 14.193 APC và IFV trong biên chế vào đầu năm 2022, trước thời điểm phát động chiến sự tại Ukraine. Tính đến ngày 13/5 năm nay, Nga đã mất 42,08% số khí tài này.
Báo cáo chiến trường hàng ngày do quân đội Ukraine công bố cùng thời điểm thậm chí cho thấy Moskva đã mất nhiều thiết giáp hơn con số mà nước này có trước xung đột.
Để bù đắp tổn thất trên tiền tuyến, Nga đã rút từ lượng lớn khí tài niêm cất trong kho từ thời Liên Xô để đưa ra chiến trường. Theo phân tích ảnh vệ tinh, nước này niêm cất 14.865 thiết giáp chiến đấu trước khi chiến sự bùng phát và ít nhất 4.813 chiếc đã được rút khỏi kho, tính tới tháng 5 năm nay.
Trong báo cáo hồi tháng 2, IISS nhận định Nga có đủ vũ khí dự trữ và năng lực sản xuất để bù đắp tổn thất tại Ukraine trong vài năm.
Tuy nhiên, Serhii Kuzan, chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine và từng làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng nước này, cho rằng Nga nhiều khả năng chưa thể bù đắp được toàn bộ thiệt hại về tăng thiết giáp trên chiến trường.
Ông cho biết Moskva hiện phục hồi, tân trang được khoảng 185 thiết giáp mỗi tháng, bên cạnh số sản xuất mới, trong khi báo cáo của Oryx xác định Moskva đang tổn thất trung bình 180 thiết giáp một tháng. Con số thực tế nhiều khả năng cao hơn, do Oryx chỉ thống kê dữ liệu từ các nguồn mở và có hình ảnh kiểm chứng.
Tình hình trên tiền tuyến cũng chứng minh điều này, theo Kuzan. Ông cho biết do hứng tổn thất nặng, Nga gần đây triển khai ít thiết giáp trên chiến trường hơn, chỉ có thể tập trung các vũ khí, thiết bị hiện đại nhất ở những khu vực tác chiến ưu tiên. Do đó, binh sĩ nước này buộc phải tìm đến các giải pháp tình thế để đối phó tình trạng thiếu hụt phương tiện chiến đấu ở các mặt trận khác.
Theo quân đội Ukraine, lực lượng Nga thời gian qua đang tăng cường tiến hành các cuộc xung kích bằng những khí tài "chưa từng thấy", như xe môtô, xe địa hình, xe golf hay xe tải bọc giáp lồng.
Xe tăng mai rùa Nga trong bức ảnh đăng hồi tháng 4. Ảnh: Forbes
Nổi bật nhất là "xe tăng mai rùa", loại xe tăng được bọc giáp tự chế phủ kín hầu như toàn thân giống mai con rùa. Đây là phương pháp hiệu quả để chống lại các mảnh văng từ đạn pháo và đặc biệt là drone FPV (thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất) tự sát, vũ khí các thể phá hủy xe tăng chỉ bằng một đòn đánh vào vị trí hiểm yếu.
Do chỉ mang đầu nổ khoảng một kg, drone FPV sẽ không thể gây sát thương lớn cho xe tăng khi bị vướng giáp "mai rùa". Một số xe tăng loại này còn được gắn thêm thiết bị gây nhiễu cầm tay, giúp vô hiệu hóa drone FPV hiệu quả hơn.
Dù vậy, trang bị giáp "mai rùa" làm giảm tầm nhìn của kíp lái, hạn chế khả năng quay của tháp pháo, tăng trọng lượng và giảm tính cơ động của xe tăng. Loại giáp cũng không thể chống lại các loại vũ khí có hỏa lực lớn hơn drone FPV, như tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) hay đạn pháo.
Khi xe tăng này bị tập kích và trúng hỏa lực, kíp lái bên trong ít có cơ hội sống sót hơn, do phần giáp bọc kín xung quanh ngăn họ thoát ra ngoài kịp thời trước khi kho đạn pháo phát nổ.
Ukraine gần đây liên tục đăng video phá hủy xe tăng mai rùa Nga, được cho là nhờ lực lượng nước này đã được bổ sung lượng lớn tên lửa, đạn pháo từ các gói viện trợ mới của phương Tây, không còn phụ thuộc vào drone FPV như trước.
Giới quan sát cho rằng sự xuất hiện của xe tăng mai rùa và các phương tiện tự chế khác cho thấy Nga đang thiếu tăng thiết giáp, buộc phải sử dụng chúng một cách tiết kiệm và tăng cường tối đa năng lực bảo vệ, dù điều này sẽ làm giảm hiệu quả tác chiến.
"Thật trớ trêu khi binh sĩ Nga phải tìm cách bảo vệ loại phương tiện vốn được thiết kế để bảo vệ họ", Kuzan cho hay, đề cập xe tăng mai rùa.
Kuzan nhận định với tốc độ tổn thất hiện tại, Nga sẽ sớm cạn kiệt lượng xe tăng, thiết giáp niêm cất trong kho, các phương tiện chiến đấu đời mới hơn cũng sẽ trở nên hiếm hoi sau khoảng 1,5-2 năm nữa. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch tác chiến của Moskva về lâu dài.
Ukraine liên tiếp phá hủy 'xe tăng mai rùa' Nga
Xe tăng mai rùa Nga liên tiếp bị tập kích, phá hủy trong các video đăng ngày 14/5. Video: X/NOELreports, X/PS01
Một ví dụ điển hình là chiến dịch hiện tại của nước này ở tỉnh đông bắc Kharkov, cụ thể là khu vực gần thành phố chiến lược Vovchansk. Tại mặt trận trên, Nga đang phải hạn chế sử dụng thiết giáp, thậm chí yêu cầu bộ binh hạng nhẹ và lực lượng đặc nhiệm hành quân bộ khi cơ động đến vị trí tập kết để tấn công hoặc làm nhiệm vụ trinh sát.
Chỉ khi cách đánh này thất bại, Moskva mới điều khí tài đến hỗ trợ các nhóm xung kích, nhờ đó có thể áp đảo hỏa lực của đối phương để tiếp tục tiến lên.
Oleksandr Pavliuk, tư lệnh lục quân Ukraine, hồi đầu tháng cho biết Nga đang thực hiện các đòn đánh mang tính thăm dò để đánh giá độ vững chắc của phòng tuyến Ukraine, sau đó mới chọn hướng phù hợp nhất để tấn công. Nguyên nhân có thể là do Nga không còn nhiều khí tài hạng nặng, nên cần phải chọn mắt xích yếu nhất trên phòng tuyến Ukraine để dồn nguồn lực đột phá.
Theo Kuzan, Ukraine đã chứng tỏ rằng quân đội nước này có đủ khả năng làm giảm năng lực quân sự của Nga, nên phương Tây cần tin tưởng và tiếp tục viện trợ cho Kiev trong cuộc xung đột.
"Phương Tây đang kiềm chế vì lo ngại làm leo thang xung đột với Nga, song họ lại không nhận thấy Kiev đã chứng minh rằng nước này có đủ năng lực làm suy yếu Moskva, điều gián tiếp giảm thiểu nguy cơ leo thang chiến sự ra bên ngoài", chuyên gia này nhận định.
Phạm Giang (Theo Moscow Times, Business Insider)
Nguồn: VNEXPRESS.NET