Nhưng giới phân tích cho rằng, đụng độ tại Donbass ở thời điểm này là điều mà không bên nào mong muốn.
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong lần thị sát mới nhất tới khu vực tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Getty
Trao đổi với phóng viên hãng tin CNN trong chuyến thị sát khu vực tiền tuyến ở miền Đông ngày 12/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng “một cuộc xâm lăng” từ Nga là khả năng rất dễ xảy ra và Ukraine sẵn sàng đối diện với thử thách này khi đó là câu chuyện liên quan đến lãnh thổ quốc gia.
Phương Tây cũng chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về hoạt động di chuyển quân sự của Nga ở khu vực giáp ranh Ukriane. Phát ngôn viên Hội đồng châu Âu Peter Stano ngày 12/4 cho biết, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ không có leo thang căng thẳng hay xung đột ở miền Đông Ukraine, kêu gọi Nga tránh các bước đi có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này. Ông cũng cho biết, vấn đề Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp các ngoại trưởng EU, dự kiến khai mạc ngày 19/4 tới.
Về phần mình, Moskva khẳng định hoạt động di chuyển binh sĩ, vũ khí trang bị trong phạm vi lãnh thổ Nga là bình thường, nhằm bảo đảm an ninh và toàn vệ lãnh thổ nước Nga, không phải là mối đe dọa cho bất kỳ ai. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/4 đồng thời nhắc lại quan điểm Nga cần phải quan tâm đến cộng đồng sắc tộc nói tiếng Nga trên toàn thế giới nói chung và nhu cầu đó lại càng cấp thiết đối với cộng đồng ở hai nhà nước tự xưng nằm trong vùng Donbass, cũng là những người bị chính quyền Kiev chối bỏ.
Cuộc chiến không bên nào mong đợi: Tuy nhiên, một cuộc đụng độ quy mô lớn ở Đông Ukraine là điều ít có khả năng xảy ra, nhất là giữa Nga và Ukraine.
Vấn đề Ukraine là nhân tố nổi bật khiến ông Biden đề xuất gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin tại cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 13/4. Ảnh: CNN
Về phía Ukraine, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ Tổng thống Zelensky đang đánh mất uy tín, vị thế chính trị. Nhiều sáng kiến mà ông vạch ra khi lên nắm quyền đều bế tắc. Ông cũng mất dần ủng hộ ngay trong nội bộ đảng Phụng sự Nhân dân cầm quyền.
Nhiều thành phần trong đảng nhìn nhận, với các bước đi gần đây – như thông qua luật về ngôn ngữ, đóng cửa các đài truyền hình thân Nga, ông Zelensky đang bước theo nghị trình của người tiền nhiệm Poroshenko. Điều này đồng nghĩa với việc đánh mất vị thế cá nhân, khi bước vào kỳ bầu cử tới với nhiều yếu tố không thuận.
Sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây cũng là một yếu tố mà Kiev phải tính tới. Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ bày tỏ ủng hộ lớn cho Ukraine, nhưng thiên về tuyên bố là chính. Tổng thống Joe Biden cam kết “hậu thuẫn trước sau như một” đối với chính quyền Kiev, kể cả viện trợ quân sự. Nhà Trắng cũng hối thúc đồng minh châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, sát cánh cùng Ukraine.
Nhưng điều mong mỏi nhất là vũ khí hiện đại cùng triển vọng quy chế thành viên NATO vẫn nằm ngoài tầm với của Kiev. Thiếu cả hai nhân tố này, Ukraine sẽ không dám mạo hiểm mở cuộc chiến ở Donbass, bởi đó sẽ là hành động tự sát.
Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đưa ra lời đề nghị thẳng thừng với phương Tây, khi ông nói rằng: “Ukraine là tuyến đầu chống Nga của phương Tây. Nhưng hãy nhìn xem, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở những đâu? Điểm gần nhất là Ba Lan. Những hệ thống như vậy cần phải xuất hiện ở Ukraine”. Ukraine đến nay vẫn chưa nhận được tên lửa, vũ khí hiện đại đủ sức đẩy lùi tấn công đường không của đối phương.
Ông Zelensky trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 6/4 một lần nữa yêu cầu liên minh quân sự này đưa ra một lộ trình rõ ràng cho Ukraine gia nhập NATO. Ông khẳng định quy chế thành viên đầy đủ sẽ là nhân tố quyết định chấm dứt cuộc chiến ở Donbass. Đáp lại, NATO cho rằng Kiev trước hết phải tập trung vào các cải cách trong nước và phát triển tiềm lực quốc phòng theo hướng tiệm cận với tiêu chuẩn của khối, từ đó mới được xem xét.
Đối với Nga, hành động áp sát biên giới Ukraine là cách để Moskva chuyển đi những thông điệp với phương Tây, mà không nhất thiết phải là bước khởi động cho xung đột mới với Kiev. Theo Michael Kofman, Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Nga tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Nga cố tình công khai hoạt động di chuyển binh lực, cốt để cho Ukraine và phương Tây nhận ra. Mục đích chính của Nga là nhằm gây sức ép với Kiev và một số đồng minh phương Tây khi tiến trình thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk II theo ý định và phù hợp với lợi ích của Moskva.
Lãnh đạo Ukraine cũng thiên về xu thế đánh giá này. Tổng thống Zelensky coi hành động của Nga là phép thử trước phương Tây. Điều Moskva muốn là “leo thang căng thẳng” tới ngưỡng đủ để Mỹ và NATO xuống thang ủng hộ Kiev, ngần ngại công nhận Ukraine là đối tác thực chất.
Gây sức ép quân sự là bước đi để Moskva muốn xác lập củng cố ảnh hưởng ở Ukraine theo đúng ý muốn của mình. Nga làm vậy sau khi nhận thấy rằng niềm hy vọng về tạo dựng hiện hiện ở Ukraine thông qua biện pháp chính trị đã không còn, với các quyết định của chính quyền ông Zelensky về trừng phạt các nhân tố, lực lượng chính trị thân Nga, đóng cửa các kênh truyền hình phát tiếng Nga. Nó đồng nghĩa với việc kịch bản một thủ lĩnh, đảng phái thân Nga khó có cơ hội lên nắm quyền tại Kiev trong thời gian tới - điều nằm trong tính toán dài hạn của Moskva.
Chính quyền Tổng thống Zelensky không muốn mạo hiểm leo thang chiến sự ở Donbass, bởi hệ quả quá lớn. Ông Putin vẫn có thể quyết định mở một cuộc tấn công tổng lực, điều là Ukraine gần như không có khả năng kháng cự và đó là “điều thực sự đáng sợ”, như chính lãnh đạo Kiev thừa nhận. Nhưng trên bình diện công khai, ông Zelensky không được phép để lộ ra điều đó.
Khi mà mục đích của các bên dần lộ diện, những tuyên bố hay hoạt động di chuyển quân sự có thể chỉ là vỏ bọc, là cách tạo sức ép, dư luận để có thể tới bàn đàm phán với ưu thế lớn nhất.
Hoài Thanh (Time, Unian, Guardian)
Nguồn: baotintuc.vn