Giới phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga đã đưa ra phân tích về 3 yếu tố đang góp phần “hủy hoại” EU và khiến EU không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách như khủng hoảng nhập cư....

 

3 yếu tố đang góp phần hủy hoại EU - 0

Vì sao Liên minh châu Âu (EU) không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư? Sự gia tăng hoạt động khủng bố ở châu Âu sau các vụ khủng bố ở Paris và Brussels có đáng ngại không?

Các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Brussels có thể coi là “cái kết” cho chu trình phát triển hiện nay ở châu Âu.

Xuất hiện từ Nga từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa khủng bố trong nhiều thập kỷ qua đã trải qua nhiều thay đổi khác nhau.

Trong giai đoạn 1920-1930, chủ nghĩa khủng bố chính trị trở thành “vũ khí chính” của các phong trào cực đoan, còn trong giai đoạn 1960-1970, chủ nghĩa khủng bố lại trở thành “vũ khí chính” của các phần tử cánh tả cực đoan ở Italia và Tây Đức.

Sự khác nhau giữa khủng bố hiện nay và khủng bố trước kia là các mục tiêu trước đó của khủng bố thường là một quốc gia đơn lẻ nào đó mà khủng bố muốn trả thù.

Còn mục tiêu hiện nay của lực lượng khủng bố không chỉ là chống lại châu Âu mà chống lại toàn bộ nền văn minh châu Âu.

Hơn nữa, khủng bố thường lựa chọn các quốc gia có khả năng tự vệ thấp hơn cả (ví dụ như Bỉ) để tấn công chứ không chỉ dừng lại ở các quốc gia cần phải “trả thù”.

Xu hướng hoạt động này của chủ nghĩa khủng bố đáng tiếc lại đang tỏ ra khá hiệu quả. Đây thực sự là thách thức to lớn đối với phương Tây vì nó đặt giới lãnh đạo phương Tây đứng trước các quyết định hết sức khó khăn để có thể đưa ra được những thay đổi trong cách xây dựng thể chế chính trị-xã hội tại đất nước mình lãnh đạo.

Khoảng 10 năm trước, ở khu vực ngoại ô Paris, cư dân đến từ các nước Bắc Phi và Trung Đông gây bạo loạn chủ yếu là do các nguyên nhân xã hội. Làn sóng này cho thấy Chính phủ Pháp không đủ khả năng để giải quyết vấn đề hòa nhập của người nhập cư vào đời sống xã hội bản địa.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác. Sự gia tăng hoạt động khủng bố ở châu Âu chủ yếu là do các nguyên nhân về hệ tư tưởng chứ không phải các nguyên nhân về mặt xã hội.

Sự “đe dọa” của Thổ Nhĩ Kỳ

Cho dù nhiều người đang đề cập đến việc châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhưng trên thực tế, đây là cuộc khủng hoảng về chính trị trong cách điều hành EU cũng như cách điều hành ở một số quốc gia đơn lẻ.

Một số quốc gia EU dường như vẫn chưa cảm nhận được mối đe dọa thực sự của chủ nghĩa khủng bố vì các mạng lưới khủng bố đa cấp vẫn chưa xuất hiện ở đất nước họ.

Các quốc gia này vẫn cho rằng khủng bố chủ yếu là “những kẻ ít học”, không am hiểu lĩnh vực vật liệu nổ, chưa có nhiều chuyên gia tâm lý để chuẩn bị tâm lý cho những kẻ sẽ thực hiện đánh bom liều chết.

Tuy nhiên, đáng tiếc là tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi. Các vụ khủng bố tháng 11/2015 ở Paris cho thấy các phần tử khủng bố hiện đã có thể tổ chức và tiến hành các vụ tấn công có sự phối hợp chặt chẽ theo hệ thống đa tầng.

Chính vì vậy, mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố đối với an ninh châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương không có được các khả năng để có thể ngăn chặn có hiệu quả các hành động khủng bố.

Hiện nay, các cơ quan sức mạnh của châu Âu đang phải làm việc trong các điều kiện không thuận lợi do sự không phù hợp với thời đại hiện nay của hệ thống pháp luật. Điển hình là phản ứng chậm trễ của lực lượng cảnh sát Cologne (Đức) trong “đêm giao thừa nhục nhã”.

Lực lượng cảnh sát Cologne khi đó đơn giản là không dám sử dụng vũ lực để trấn áp những kẻ nhập cư gây bạo loạn do lo sợ sẽ tạo ra vụ bê bối nào đó trên các phương tiện truyền thông và sợ xã hội lên án.

Vậy điều gì có thể giúp châu Âu bảo vệ mình khỏi mối đe dọa khủng bố?

Thứ nhất, châu Âu cầu tuân thủ nguyên tắc pháp luật khi coi tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Phản ứng yếu ớt của các cơ quan sức mạnh châu Âu đối với những hành động trái pháp luật của người nhập cư tạo cho họ có cảm tưởng rằng họ sẽ không thể bị trừng phạt, cho dù có vi phạm pháp luật chăng nữa.

Trong khi đó, những hành động vi phạm pháp luật của người dân bản địa sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng. Để thay đổi tình trạng này, hệ thống luật pháp cũng cần thay đổi hoặc đơn giản là tuân thủ nghiêm luật pháp đã được xây dựng nên.

Thứ hai, châu Âu không nên có nhượng bộ đối với bất cứ sự đe dọa chính trị nào của bất cứ lực lượng nào. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đang có những đe dọa nhất định đối với châu Âu và đã chiếm được hàng tỷ Euro của châu Âu để thực hiện lời hứa ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu Âu.

“Thủ phạm” chính tạo nên cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu hiện nay là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi đã để lượng lớn người di cư Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ chạy đến Hy Lạp. Khi càng được đáp ứng thì những yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Âu ngày càng gia tăng và trở nên “xấc xược” hơn.

Chính sách Schengen không hiệu quả

Các thành viên EU hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các điều khoản luật do mình đặt ra vì các vấn đề mang tính chất kỹ thuật. Điển hình là Hy Lạp. Hy Lạp đang vi phạm các cam kết của mình trước các đối tác EU khi cho mở cửa biên giới.

Tuy nhiên, không phải Hy Lạp muốn làm vậy mà đơn giản là họ không có đủ khả năng để thực hiện cam kết của mình: không tiền, không nguồn lực, không nhân lực để có thể tự mình ngăn chặn dòng người nhập cư.

Đáng chú ý, những bất cập này là không mới. Cách đây một thập kỷ, người dân Bắc Phi cũng đã xâm nhập vào các nước Nam Âu, trong đó có Italia. Các quốc gia này cũng đã đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải thực hiện một chính sách chung của EU về cung cấp tài chính và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề này.

Tuy hiên, những nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Đức, quốc gia được bao quanh bởi các nước đã tham gia vào Hiệp ước Schengen nên coi nhẹ việc bảo vệ biên giới quốc gia.

Cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay một lần nữa lại cho thấy việc các nước thành viên EU không thể tự thỏa thuận được với nhau để đảm bảo sự vận hành của cơ chế Schengen.

Chính vì vậy, những sự kiện hiện nay không thể coi là cuộc khủng hoảng nhập cư đơn thuần mà là cuộc khủng hoảng về sự đoàn kết và khả năng của các nước EU trong việc xây dựng nên chính sách chung một cách có hiệu quả.

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara hiện đang thực sự đe dọa EU sau khi hai bên ký thỏa thuận giải quyết vấn đề nhập cư. Xét về quan điểm lợi ích cá nhân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hành động hoàn toàn hợp lý và có logic.

Tuy nhiên, ông Erdogan không tính đến việc trong tương lai, tình hình hiện nay có thể đem lại những hiệu ứng ngược. EU hiện không đủ khả năng để đưa ra các giải pháp có hiệu quả trong giải quyết vấn đề nhập cư, phải trả tiền để Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt áp lực trong vấn đề này.

Tuy nhiên, vào thời điểm nào đó, khi đã giải quyết được vấn đề này, EU hoàn toàn có thể quay lại “xử” Thổ Nhĩ Kỳ vì tội xúc phạm, cụ thể là EU có thể không bao giờ xem xét đến vấn đề miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đào Cảnh (Infonet lược dịch)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC