Sự trỗi dậy của phát xít Đức trong Thế chiến 2 phần lớn nhờ vào những phát minh quân sự vượt trội hoàn toàn so với Liên Xô và quân đồng minh.
Theo National Interest, các chuyên gia ngày nay đánh giá phát xít Đức là một trong những lực lượng quân sự đáng gờm nhất trong bất kỳ một cuộc chiến nào.
Nhờ vào việc phát triển hàng loạt kỹ thuật cơ khí, khoa học hiện đại, phát xít Đức đã chế tạo nhiều loại vũ khí cơ giới hóa cao. Các vũ khí này mạnh hơn và tác chiến nhanh hơn nhiều chỉ sau 20 năm kết thúc Thế chiến 1, khiến cả lục địa châu Âu nhanh chóng đầu hàng.
Dưới đây là 5 vũ khí đánh dấu bước đột phá trong công nghệ quân sự của phát xít Đức.
Xe tăng Tiger
Xe tăng Tiger là một trong những bước đột phá trong công nghệ quân sự của phát xít Đức.
Xe tăng thời hiện đại nổi tiếng bởi khả năng tác chiến nhanh, mạnh mẽ, hỏa lực khủng khiếp nhờ vào chiến thuật sử dụng xe tăng của phát xít Đức.
Xe tăng lần đầu được người Anh phát minh trong Thế chiến 1, nhưng phát xít Đức mới là lực lượng sử dụng loại vũ khí này hiệu quả, đưa chiến lược chiến tranh từ co cụm phòng thủ sang tấn công chủ động.
Lần đầu xuất hiện vào năm 1942, xe tăng Tiger (Panzerkampfwagen VI) sử dụng nòng pháo 88mm vượt trội hơn hẳn bất kỳ một xe tăng nào khác của phe đồng minh.
Tiger có lớp giáp dày từ 20-120mm, vô hiệu hóa hầu hết các loại vũ khí chống tăng của phe đồng minh ở thời điểm đó.
Các xe tăng Tiger này được xếp thành tiểu đoàn xe tăng hạng nặng, tung hoành trên chiến trường nhờ vào sức công phá mạnh mẽ cùng lớp giáp dày đáng kể thay vì khả năng cơ động như các xe tăng khác.
Máy bay chiến đấu Bf 109
Bf109 là mẫu tiêm kích đáng sợ nhất trong Thế chiến 2.
Messerschmitt Bf 109 được coi là xương sống trong không quân phát xít Đức và là mẫu máy bay đáng sợ nhất trong Thế chiến 2.
Bf 109 do nhà thiết kế quân sự Willy Messerchmitt bắt tay vào chế tạo năm 1934. Đây là máy bay tiêm kích hiện đại đầu tiên vào thời đó với tính năng nổi bật như cấu trúc thân đơn bằng kim loại, nóc buồng lái hoàn toàn kín và càng hạ cánh có thể gấp.
Kể từ năm 1936, Bf 109 đã có mặt trên tất cả các chiến trường từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha đến mặt trận phía Đông. Nổi trội bởi khả năng bay nhanh (tới 400km/giờ), linh hoạt và cũng rất khó bị bắn rơi, Bf109 còn được trang bị 2 súng máy hạng nặng và một khẩu pháo 20mm, cung cấp hỏa lực rất mạnh so với các mẫu máy bay khác cùng thời.
Tổng cộng có 33.984 chiếc Bf109 được phát xít Đức chế tạo cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc.
Súng máy MG-42
Súng máy MG-42 là nỗi khiếp sợ của quân đồng minh.
Sự xuất hiện của súng máy trong Thế chiến 1 là nguyên nhân con số thương vong trong chiến tranh tăng vọt. Phiên bản MG-34 của Đức vừa có trọng lượng nhẹ là có thể khai hỏa tới 1.200 phát/phút, trở thành loại súng máy không thể thiếu trong các đơn vị bộ binh.
Nhưng Thế chiến 2 với sự xuất hiện của phiên bản nâng cấp mang tên MG-42 mới thực sự là nỗi khiếp sợ với binh sĩ quân đồng minh.
Ước tính 400.000 khẩu súng máy MG-42 đã được chế tạo trong suốt giai đoạn chiến tranh. MG-42 không chỉ là vũ khí phòng thủ hiệu quả mà còn được dùng khá phổ biến trong các chiến dịch tấn công.
Bộ binh Đức khi đó thường chỉ được trang bị khẩu súng trường Karabiner 98k, đóng vai trò hỗ trợ súng máy MG-42 nhiều hơn. Quân đội Mỹ khi đó sở hữu ít súng máy hơn nhưng lại chế tạo các loại vũ khí mạnh mẽ cho bộ binh như súng trường bán tự động M1 Garand và súng trường tự động M1918 Browning.
Tàu ngầm U-boat
Tàu ngầm U-boat đánh chìm 2.779 tàu nổi của quân đồng minh trong giai đoạn 1939-1945.
Hải quân Đức trong Thế chiến 2 không phải đơn vị mạnh nhất và được đầu tư lớn nhất so với không quân hay lục quân. Tuy nhiên, cuộc chiến chống hải quân Anh buộc Đức phải tìm ra cách đối trọng, và đó là lúc các tàu ngầm U-boat cải tiến ra đời.
Trong giai đoạn 1939-1945, các tàu U-boat đã đánh chìm 2.779 tàu của quân đồng minh, tương đương trọng lượng 14,1 triệu tấn. Phiên bản thành công nhất là U-48, đánh chìm 51 tàu, tương đương 3 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz ngày nay của Mỹ.
Tàu ngầm U-boat thậm chí còn đe dọa phong tỏa nước Anh, ngăn các chuyến hàng tiếp tế từ Mỹ sang Anh. Nhưng đến cuối cùng, Mỹ đã tìm ra phương pháp đặc trị chống lại tàu ngầm U-boat và hải quân phát xít Đức tổn thất 765 tàu ngầm.
Súng chống tăng Panzerfaust
Súng chống tăng Panzerfaust 3 ngày nay.
Phát xít Đức sử dụng xe tăng làm xương sống trên chiến trường hiện đại giống như tìm thấy được kho báu. Chỉ vài năm sau, quân đồng minh cũng nhanh chóng đuổi kịp bằng cách chế tạo mẫu xe tăng hiện đại, khiến Đức mất lợi thế trên chiến trường.
Đó là lúc mà phát xít Đức chế tạo ra súng chống tăng Panzerfaust. Loại vũ khí này hoạt động rất đơn giản nhưng lại đặc biệt hiệu quả. Một phát đạn ở cự ly 30 mét lý tưởng đủ sức xuyên giáp tới 9,9cm, phá hủy mọi xe tăng đồng minh.
Sự xuất hiện của “sát thủ diệt tăng” đã khiến quân đồng minh phải thận trọng hơn trong mỗi bước tiến.
Trong trận đánh cuối cùng ở Berlin, các binh sĩ Liên Xô còn đem lò xo buộc xung quanh xe tăng với hy vọng có thể khiến đầu đạn chống tăng phát nổ sớm hơn.
Đây cũng chính là cách thức Mỹ tạo ra lớp giáp trụ vững trước đạn chống tăng cho xe bọc thép Stryker ngày nay.
Nguồn: Báo Dân Việt