Ngày 16/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết, họ vẫn hy vọng mua được hệ thống phòng không tên lửa Patriot của Mỹ, mặc cho những nghi ngại ban đầu của chính phủ bảo thủ mới lên cầm quyền.
Như vậy, nhiều khả năng Ba Lan sẽ ký kết hợp đồng trị giá tới 5 tỷ USD để mua hệ thống Patriot nhằm nâng cao khả năng phòng thủ.
Trước đó, vào tháng 4/2015, chính phủ ôn hòa ở Ba Lan cho hay, họ sẽ mua hệ thống Patriot của hãng Raytheon. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đảng bảo thủ PiS đối lập phản đối dữ dội, và khẳng định họ sẽ xem lại quyết định này nếu như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó.
Tới tháng 10/2015, PiS giành thắng lợi và lập ra chính phủ mới theo đường lối bảo thủ, đồng thời tuyên bố xem xét lại và có thể hủy bỏ thỏa thuận mua Patriot của chính phủ tiền nhiệm.
Được biết, hãng Raytheon đã sẵn sàng xây dựng hệ thống theo đặt hàng của Ba Lan trong vòng 65 tháng, nhưng ngày chuyển giao thực tế còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán liên chính phủ.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski (trái) và Đại sứ Đức Rolf Nikel.
Trong cuộc họp báo chung tổ chức ngày 16/1 với Đại sứ Mỹ tại Ba Lan – ông Paul W. Jones, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Macierewicz nói: “Mục tiêu lâu dài và thực tế trong kế hoạch của chúng tôi là sở hữu bền vững một hệ thống phòng không hiệu quả. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là hệ thống Patriot”.
Ngoài ra, ông Macierewicz cũng bày tỏ Ba Lan muốn có sự hiện diện thường trực của các binh sỹ thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa an ninh.
Dù thiết tha như vậy nhưng thời gian qua Ba Lan lại gây căng thẳng với Đức và EU. Theo đó, khi đảng PiS lên cầm quyền ở Ba Lan đã thông qua nhiều dự luật gây tranh cãi, trong đó có sửa đổi quyền lực của tòa án hiến pháp và cho phép Chính phủ nắm quyền bổ nhiệm trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan truyền thông nhà nước.
Động thái này đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối của người dân Ba Lan. Nó cũng vấp phải chỉ trích của Đức khi chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), hiện là Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz tố cáo Ba Lan đang thực hiện một "nền dân chủ hướng theo cách của (Tổng thống Nga) Putin".
Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể can thiệp vào vấn đề này và Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans đã gửi hai bức thư đề nghị Warsaw giải thích rõ nội dung của những sửa đổi trên. Còn Ủy viên phụ trách truyền thông của EU Guenther Oettinger dọa khởi kiện Ba Lan do cái gọi là "xâm phạm các giá trị chung" của EU.
Về phía Ba Lan, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski đã triệu Đại sứ Đức tại Ba Lan Rolf Nikel tới trụ sở Bộ Ngoại giao để làm rõ những bình luận "chống Ba Lan" của các chính trị gia Đức. Ngoài ra, Ba Lan cũng cáo buộc EC cố tình gây sức ép đối với chính phủ nước này.
Đến ngày 13/1, EU đã tiến hành một cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ về những thay đổi pháp lý gây tranh cãi được chính phủ cánh hữu mới của Ba Lan đưa ra nhằm xem xét liệu chúng có vi phạm các quy tắc dân chủ và có đáng phải chịu các biện pháp trừng phạt của EU hay không.
Không chỉ gây tranh cãi về những thay đổi pháp lý, trước đó, Ba Lan còn muốn mặc cả với Đức và EU về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 mà Đức đang dự kiến hợp tác với Nga.
Trước đây, Ba Lan luôn lên tiếng phản đối gay gắt khả năng Đức hợp tác với Nga để thực hiện dự án chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu. Tuy nhiên, khi nhận thấy những lợi ích từ dự án này, Ba Lan đã thay đổi thái độ, không phản đối và còn đòi bố trí một phần tuyến đường ống dẫn khí này chạy qua lãnh thổ Ba Lan.
An Nhiên (Tổng hợp)