Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu quan trọng về nhiều vấn đề trước quốc hội nước này, một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) để bàn về các vấn đề nóng của khu vực.
Mở đầu bài phát biểu ngày 16/12, Thủ tướng Merkel nêu bật tình đoàn kết với Pháp sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vừa qua ở Paris, khẳng định Berlin sẽ luôn sát cánh cùng Pháp và hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Bà khẳng định chỉ có sự hợp tác giữa các nước mới có thể chiến thắng chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cắt nguồn tài chính của chúng cũng như có thể ngăn chặn tốt hơn các vụ tấn công trong tương lai.
Liên quan cuộc khủng hoảng người di cư, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ trong giải pháp hiện nay, cho rằng sự hợp tác với Ankara có thể ngăn chặn được dòng người di cư bất hợp pháp hiện nay. Thủ tướng Merkel tuyên bố Cơ quan Biên phòng châu Âu Frontex cần đóng vai trò lớn hơn trong việc cho hồi hương người tị nạn.
Bên cạnh đó, các nước EU cần tuân thủ hạn ngạch phân bổ người tị nạn, thiết lập các "điểm nóng" ở khu vực biên giới ngoài EU để đảm bảo thực thi việc phân bổ hạn ngạch này. Thủ tướng Merkel cũng nhận định còn rất nhiều chông gai phía trước để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.
Một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Merkel kêu gọi các đối tác EU bày tỏ tình đoàn kết, giữ cam kết về hạn ngạch phân bổ người tị nạn trong khối. Bà khẳng định không một nước đơn lẻ nào trong EU có thể tự giải quyết được các thách thức hiện nay. Bà cho rằng để có thể giải quyết khủng hoảng tị nạn cần phải chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh năm 2015 là một năm nhiều khó khăn với rất nhiều khủng hoảng và biến cố, như khủng hoảng đồng euro, cuộc xung đột ở Syria và Ukraine, chủ nghĩa khủng bố... Bà bày tỏ hy vọng các bên xung đột ở Ukraine tiếp tục duy trì thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk, trong đó các biện pháp trừng phạt Nga chỉ có thể được dỡ bỏ chừng nào những thỏa thuận này được thực thi một cách đầy đủ.
Liên quan việc Anh đi hay ở trong EU, Thủ tướng Merkel bày tỏ mong muốn London tiếp tục ở lại làm một đối tác tích cực trong EU, bởi nước này là một đối tác tin cậy trong các chính sách đối ngoại và an ninh của khối. Bà Merkel cũng bày tỏ hy vọng có thể tìm kiếm được giải pháp phù hợp cho vấn đề của Anh hiện nay.
TTXVN