Foto: Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)
Bài báo cho biết giai đoạn khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam, đã qua đi và giờ đây đang phục hồi. Giá trị chứng khoán tăng trên 5% trong sáu tuần qua và dường như nguy cơ suy thoái đã được ngăn chặn.
Tại các thành phố và khu vực khác, tỷ lệ tiêm chủng cũng đạt mức cao. Điều này là hiệu quả từ việc chuyển đổi chiến lược của chính phủ từ "Zero COVID" sang "Sống chung với COVID-19". Các biện pháp để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư kéo dài từ tháng Bảy đến cuối tháng Chín trên khắp cả nước đã bất ngờ chặn đà tăng trưởng rất mạnh cho tới thời điểm đó.
Theo bài báo, từ năm 2009-2019, nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng hằng năm 7%. Tuy nhiên, giai đoạn phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đã khiến tổng sản lượng kinh tế sụt giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó và đây là đợt sụt giảm lớn nhất của kinh tế Việt Nam kể từ khi bắt đầu chính sách "Đổi Mới" năm 1986.
Để nâng cao mức sống của người dân, Chính phủ Việt Nam đang cổ phần hóa một phần các doanh nghiệp quốc doanh và niêm yết các công ty này trên sàn chứng khoán. Điều này góp phần giúp Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách. Theo tổ chức phân tích DBS Vietnam, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể đạt trở lại mức 8% trong năm tới. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà tại thủ đô Hà Nội, trung tâm công nghệ thông tin Đà Nẵng, thành phố cảng Hải Phòng cũng như tại các tỉnh như Đồng Nai và Bình Dương, ngày càng có nhiều công nhân trở lại làm việc.
Trang vietnam-briefing.com cho rằng hiện các công ty, nhà máy đã đạt tỷ lệ sử dụng lao động từ 60-75% và tới cuối năm, nhiều công ty mong muốn trở lại mức 100%. Đây là lý do các công ty nước ngoài ngày càng lạc quan về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chẳng hạn như Nike và Unilever. Các công ty này kỳ vọng trong những tháng tới có thể nhanh chóng bù lại những thiệt hại do đại dịch COVID-19 và chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Cũng giống như các nhà đầu tư cổ phần, các nhà đầu tư trực tiếp tin tưởng rằng Việt Nam, hiện vẫn được xếp là Thị trường Cận biên, trong ít năm tới sẽ được chuyển sang nhóm Thị trường Mới nổi. Do vậy, dù đã đầu tư lớn, các nhà đầu tư giờ đây vẫn muốn mở rộng hơn nữa hoạt động của họ. Mới đây, công ty LG Display của Hàn Quốc đã chi 1,4 tỷ USD mở rộng cơ sở sản xuất ở Hải Phòng. Tập đoàn Nestlé hay tập đoàn Tetra Pak của Thụy Điển cũng mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Tuy vậy, các công ty nước ngoài không phải tới Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu chỉ vì giá nhân công rẻ, mà chính Việt Nam cũng hứa hẹn là một thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Xét về nhân khẩu học, có tới 68% trong tổng dân số khoảng 97 triệu người thuộc độ tuổi lao động từ 15-64 và mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người mới tham gia thị trường lao động.
Theo tạp chí Vietnam Invest Review, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 56 triệu người thuộc lớp trung lưu so với con số hiện tại là 23 triệu người. Tiền lương và thu nhập của người Việt Nam cũng đã tăng nhanh. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức (GTAI), thu nhập trung bình hằng năm của người dân Việt Nam năm 2020 là 1.526 euro (khoảng 40 triệu VND), tăng gấp đôi so với năm 2012 và tới năm 2030 dự kiến sẽ là 5.156 euro.
Điều các nhà đầu tư cũng rất quan tâm là việc Chính phủ Việt Nam ý thức tầm quan trọng của sàn chứng khoán đối với sự phát triển kinh tế. Chỉ riêng các ngân hàng không thể đủ tài trợ cho đầu tư của các công ty trong nước, do vậy rất cần tới thị trường vốn và thị trường này cũng ngày càng tăng trưởng. Nếu năm 2004 mới chỉ có 24 công ty được niêm yết thì nay đã có 745 công ty. Cuối năm 2020, giá trị vốn hóa thị trường đạt 160 tỷ euro. Trong tương lai, nhiều công ty công nghệ thông tin triển vọng cũng sẽ xuất hiện trên danh sách sàn giao dịch chứng khoán.
Việt Nam chủ trương thúc đẩy ngành kinh tế Internet thành động lực tăng trưởng và sản xuất, do vậy đã tư vấn và hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp từ ngành này. Dự kiến tới năm 2025, sẽ có 80% dịch vụ công được xử lý trực tuyến hoặc qua điện thoại di động. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trong ba năm tới, nền kinh tế số sẽ đóng góp từ 25-30% cho GDP.
Mạnh Hùng (PV TTXVN tại Berlin)