Tờ Die Welt của Đức đưa tin, các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây không những không làm suy yếu được nền kinh tế Nga mà còn khiến Liên minh châu Âu (EU) tổn thất tới 30 tỷ Euro, trong khi đó lại đem đến nhiều lợi thế cho nền kinh tế Nga.

Trong số các nước EU, Đức là nền kinh tế chịu thiệt hại nhiều nhất vì cấm vận chống Nga.

Ngược lại, nền kinh tế Nga đã từng bước vượt qua khủng hoảng và tiếp tục tăng trưởng, đồng thời dần dần độc lập khỏi phương Tây và ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Die Welt, sau khi cáo buộc Nga “xâm lược Crimea” hồi tháng 3/2014, các quốc gia EU đã áp đặt các lệnh cấm vận khác nhau chống Nga, trong đó có các biện pháp trừng phạt về kinh tế và cấm vận chống một số cá nhân của Nga. Tuy nhiên, việc Nga đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu các hàng hóa khác nhau từ EU vào Nga đã đem đến cho các nước EU rất nhiều hậu quả nặng nề.

Báo Đức: EU mất 30 tỷ euro vì cấm vận, Nga hưởng lợi - 0

Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nga Putin. Foto: DPA

Hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi khác nhau về mức độ thiệt hại với châu Âu từ các lệnh cấm vận trả đũa của Nga. Mới đây nhất, Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo đã tiến hành nghiên cứu về các thiệt hại với châu Âu từ các lệnh cấm vận chống Nga theo đơn đặt hàng của Nghị viện châu Âu. Kết quả tiến hành phân tích cho thấy, EU đã chịu tổn thất khoảng 30 tỷ USD từ các lệnh cấm vận chống Nga.

Theo đó, tổng sản lượng xuất khẩu của các nước EU vào Nga đã giảm từ 120 tỷ Euro năm 2013 xuống còn 72 tỷ Euro năm 2016. Và một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng là do giá dầu suy giảm và Nga duy trì chính sách đồng nội tệ yếu nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các lệnh cấm vận chống Nga.

Trong số các quốc gia EU, Đức là quốc gia gánh chịu nhiều tổn thất nhất từ các lệnh cấm vận chống Nga. Tổn thất đối với Đức là 11,1 tỷ Euro. Các quốc gia khác chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ các lệnh cấm vận này còn có Ba Lan, Anh và Pháp. Nếu xét về tỷ lệ % thì các chỉ số này sẽ khác đi đôi chút. Theo đó, đảo Syprus mất đi 1/3 tổng sản lượng trao đổi thương mại với Nga, Đức và Croatia là 23% và 21% xuất khẩu vào Nga.

Tuy nhiên, những con số này không phản ánh được đầy đủ thực tế các tổn thất mà EU phải gánh chịu. Trước khi các lệnh cấm vận được áp đặt, quan hệ kinh tế Nga với EU rất phát triển. Trong giai đoạn từ 2009 đến 2012, xuất khẩu của EU vào Nga tăng trung bình 23%/năm và Nga đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU. Và nếu như xu hướng này được tiếp tục thì tổng sản lượng xuất khẩu của EU sang Nga sẽ đạt được mức lớn là 120 tỷ Euro. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận đã phá hỏng triển vọng này.

Ngoài việc gây tổn thất lớn cho EU, các lệnh cấm vận chống Nga còn không đạt được mục đích đặt ra là làm suy yếu nền kinh tế Nga. Ban đầu, nền kinh tế Nga cũng phải chịu những tổn thất nhất định nhưng nhờ nhiều nỗ lực khác nhau, nền kinh tế Nga hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng. Kinh tế Nga hiện đã vượt qua khủng hoảng và các chuyên gia kinh tế dự báo rằn tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nga có thể đạt từ 1-2% trong năm 2018.

Nhìn chung, theo Die Welt, các lệnh cấm vận kinh tế đã giúp Nga giảm dần sự phụ thuộc vào phương Tây. Thay vì dự trữ bằng đồng USD, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu chuyển sang mua vàng. Hiện dự trữ vàng của Nga đã đạt 1.716 tấn, nhiều hơn 700 tấn so với trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế với phương Tây. Dự trữ ngoại tệ cũng đã tăng từ 70 tỷ USD năm 2015 lên 420 tỷ USD năm 2017.

Trong tháng 3 vừa qua, cơ quan xếp hạng uy tín S&P đã đưa ra những đánh giá rất tích cực với Nga. Theo các số liệu được cơ quan này đưa ra, Nga có thể sẽ nhanh chóng trở thành quốc gia hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine chỉ khiến uy tín trong khả năng cạnh tranh của Nga hạ xuống mức “rác” mà thôi.

Trên thị trường tài chính quốc tế, Nga còn trở thành “con nợ đáng tin cậy”. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện rất sẵn sàng đầu tư tiền vào nền kinh tế Nga. Trong mùa hè năm 2017, khi quan hệ Nga-Mỹ hạ đến mức thấp nhất từ trước đến nay, Moscow vẫn thu hút được 3 tỷ USD đầu tư trên thị trường tài chính.

Die Welt kết luận rằng thực trạng trên khiến các nước EU cần nhanh chóng nghĩ đến việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống Nga.

Đức Dũng

Infonet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC