Bầu cử Đức: Đảng của bà Merkel thắng mà thua, cả châu Âu lo ngại

Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Liên bang nhưng đảng cầm quyền CDU lại đang gặp nhiều thách thức.

 

CDU thắng mà thua

Cuộc tổng tuyển cử Liên bang tại Đức mang lại các con số như sau: Liên minh đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDU và Liên đoàn xã hội cơ đốc giáo CSU về nhất với khoảng 32,5% tổng số phiếu bầu của cử tri Đức. 

Đảng Dân chủ xã hội SPD về thứ hai với khoảng 20% số phiếu. Về thứ ba là đảng Con đường khác, hay còn gọi là Lựa chọn khác cho nước Đức – AfD với khoảng 13,5% tổng số phiếu. Tiếp đến là đảng Dân chủ tự do FDP với 10%, đảng Xanh 9,5% và đảng Cánh tả 9%.

Đây chưa phải là kết quả cuối cùng bởi công việc kiểm phiếu ở toàn bộ các bang của Đức chưa hoàn tất nhưng kết quả chung cuộc sẽ không có khác biệt nhiều, nhất là ở các đảng lớn, và nếu có biến động thì cũng sẽ chỉ ở mức nhỏ. Ví dụ, tối đa thì đảng CDU-CSU cũng chỉ có thể giành được khoảng 33,5%.

Bầu cử Đức: Đảng của bà Merkel thắng mà thua, cả châu Âu lo ngại - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel dù tiếp tục giành chiến thắng nhưng sẽ gặp nhiều thách thức trước sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD. Ảnh: Reuters

Vì vậy, có thể khẳng định, CDU-CSU đã chiến thắng như dự báo, đồng nghĩa với việc bà Angela Merkel gần như chắc chắn sẽ được bầu lại vào chiếc ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, qua đó tạo nên một kỷ lục trên chính trường Đức và châu Âu.

Nhưng với CDU-CSU, đây cũng có thể coi là một thất bại. Lý do: CDU-CSU chỉ giành được khoảng 32,5% tổng số phiếu, trong khi các dự đoán trước bầu cử đều cho rằng đảng này có thể giành từ 36-37%, tức là kết quả thấp hơn kỳ vọng khá nhiều.

Quan trọng nhất, đây là kết quả bầu cử tệ nhất của CDU-CSU kể từ năm 1949 và cũng là tệ nhất trong thời gian bà Angela Merkel cầm quyền từ năm 2005 đến nay.

Vì thế, chiến thắng trong thế suy yếu này đặt ra cho CDU-CSU nhiều vấn đề. Thứ nhất, đó là sự tuột dốc tín nhiệm của đảng này trong dân chúng Đức nghiêm trọng hơn dự tính. Thứ hai, kết quả thấp hơn so với tính toán này khiến cho việc thành lập chính phủ liên minh trong ngày tới càng trở nên khó khăn hơn với CDU-CSU và bà Merkel.

Nguyên nhân, là vì số ghế trong Quốc hội Liên bang ít đi, buộc CDU-CSU sẽ phải tìm kiếm liên minh với nhiều đảng nhỏ hơn mới đủ số ghế để chiếm đa số trong Quốc hội.

Báo động mang tên AfD

Tuy nhiên, với chính trường và xã hội Đức, thì điều đáng chú ý nhất của cuộc tổng tuyển cử năm nay là sự thăng tiến mạnh không ngờ của đảng AfD, một đảng không chỉ dân tuý mà ngày càng thể hiện các tư tưởng cực hữu, thậm chí là phát xít.

Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức, một đất nước bị ám ảnh khủng khiếp bởi bóng ma phát xít trong quá khứ, lại có đến gần 90 nghị sĩ đại diện cho một đảng chính trị cực hữu, phát xít trong Quốc hội Liên bang.

Đây là một thực tế đáng báo động cho nước Đức và là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với các đảng truyền thống khác bởi sự thăng tiến của đảng AfD, một đảng mới ra đời cách đây 4 năm, có nguyên nhân chủ yếu từ sự bất mãn và lo lắng của một bộ phận dân chúng Đức với các chính sách của chính phủ cầm quyền, đặc biệt các chính sách về người tị nạn, về lao động nhập cư hay về thu hẹp bất công xã hội.

Nói cách khác, là cuộc tổng tuyển cử năm nay cho thấy nước Đức dù đang trong tình trạng kinh tế tốt, nhưng đã bắt đầu xuất hiện nhiều chia rẽ và căng thẳng đáng lo ngại về mặt xã hội mà có thể sẽ có tác động lâu dài.

Tác động đầu tiên là việc thành lập một chính phủ liên minh mới sẽ phức tạp hơn. Hiện tại, các lãnh đạo của đảng Dân chủ xã hội SPD tuyên bố không tham gia liên minh vì đảng này lo ngại sẽ lại có thêm 4 năm sống trong cái bóng của CDU-CSU và khi đó thì thậm chí sự tồn tại của đảng này trong tương lai sẽ bị đe doạ.

Việc SPD, đảng chiếm tới 20% phiếu, từ chối liên minh trong khi bà Merkel công khai tuyên bố không bao giờ liên minh với 2 đảng cực hữu và cực tả là đảng AfD và đảng Cánh tả (Die Linke) khiến cho CDU-CSU chỉ còn một lựa chọn: thành lập một liên minh, mà báo chí Đức gọi là “liên minh Jamaica” (giống màu cờ Jamaica), gồm CDU-CSU với đảng dân chủ tự do FDP và đảng Xanh.

Nhưng, đây sẽ là một liên minh phức tạp bởi giữa CDU-CSU với 2 đảng này có nhiều bất đồng liên quan đến một số chủ đề quan trọng như chính sách kinh tế hay chính sách cải cách Liên minh châu Âu.

Ngay giữa hai đảng nhỏ là FDP và đảng Xanh cũng có các bất đồng lớn về chính sách nhập cư hay kế hoạch loại bỏ ô tô chạy động cơ diesel. Vì vậy, kể cả trong trường hợp liên minh này được thành lập, chắc chắn nước Đức trong tương lai sẽ có một bộ máy chính phủ mới phức tạp và tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn hơn nhiều so với năm qua.

Hậu quả, là các kế hoạch cải cách táo bạo mà dân chúng Đức đang rất chờ đợi liên quan đến giáo dục, khoa học công nghệ hay đầu tư công… sẽ gặp nhiều trở ngại.

Đây mới chỉ là giả thuyết các bên sẽ tìm được tiếng nói chung để lập liên minh. Trong trường hợp tệ hơn, là không có một liên minh đa số nào được thành lập, thậm chí nước Đức sẽ phải tổ chức lại một cuộc tổng tuyển cử mới. Khi đó thì sự bất ổn trên chính trường và xã hội sẽ càng lớn hơn.

Châu Âu cũng sốt ruột

Sự đau đầu của bà Merkel trong việc thiết lập liên minh với FDP hay đảng Xanh còn ảnh hưởng lớn tới Liên minh châu Âu.

Khúc mắc lớn nhất sẽ đến từ đảng dân chủ tự do FDP bởi đảng này có nhiều khác biệt sâu sắc trong chính sách về Liên minh châu Âu. Cụ thể, FDP phản đối mạnh mẽ các đề xuất của Pháp về việc tăng cường kiểm soát ngân sách hay việc lập ra một Bộ trưởng Tài chính châu Âu.

Đảng này cũng phản đối việc bơm tiền hỗ trợ các nước thành viên Liên minh châu Âu- EU, nhất là các nước Nam Âu, và không ủng hộ việc đẩy mạnh các chính sách kích cầu thông qua đầu tư.

Nói cách khác, dù không phải là đảng chống châu Âu nhưng FDP lại chống các đề xuất gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khi các đề xuất này dường như đang được bà Merkel ủng hộ.

Rất nhiều nhà lãnh đạo EU khác cũng e dè các quan điểm khác rất cứng rắn của FDP về ngân sách, về chống chính sách tiếp nhận tị nạn, hay về việc FDP muốn cải thiện quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.

Chính vì thế, trong trường hợp FDP gia nhập liên minh với CDU-CSU thì chắc chắn quan điểm và cách tiếp cận của chính phủ mới ở Đức trong các vấn đề châu Âu sẽ buộc phải thay đổi.

Mà hiện tại thì sau khi đảng SPD từ chối thì đảng CDU-CSU và bà Merkel lại gần như không có lựa chọn nào khả dĩ hơn việc liên minh với đảng Xanh và đảng FDP để thành lập Chính phủ./.

Nguồn: Quang Dũng
VOV