Bầu cử Đức: Dấu hiệu cho quá trình suy thoái trong EU?

Kết quả bầu cử vừa qua ở Đức cho thấy nơi mà EU cảm thấy an toàn nhất bỗng chốc lại tạo ra các mối nguy hiểm mới cho khối​. Kết quả bầu cử tạo ra nhiều vấn đề mới cho EU và dấy lên quan ngại đây có thể là khởi đầu cho quá trình suy thoái của EU.

 

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có những dự đoán hết sức lạc quan về kết quả bầu cử ở Đức khi nhấn mạnh rằng “cánh buồm EU sẽ lại no gió”.

EU dự đoán rằng chiến thắng sẽ dễ dàng thuộc về đảng Dân chủ-Xã hội Đức của ông Martin Schulz (cựu quan chức EU) và bà Merkel sẽ tái đắc cử. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra không như mong muốn.

Nguyên nhân, theo báo Đức Süddeutsche Zeitung, là do hiện Đức đang phải đối mặt với tương lai mất nhiều tháng trời mới có thể hình thành được một liên minh cầm quyền. Và cho dù có được hình thành thì liên minh này sẽ không ổn định vì do những bất đồng nghiêm trọng, trước hết là về vấn đề Eurozone. Và khi Đức còn đang bận rộn với việc thành lập chính phủ mới thì “tất cả châu Âu sẽ lang thang trong sương mù”.

Bầu cử Đức: Dấu hiệu cho quá trình suy thoái trong EU? - 0

Tổng thống Pháp macron, Thủ tướng Đức Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đóng vai trò lãnh đạo hết sức quan trọng và hiện là chưa thể thay thế. Gần như tất cả hy vọng của EU đều dồn vào bộ đôi Merkel-Macron. Tuy nhiên, hiện bộ đôi này đang rơi vào tình cảnh “mạnh về chính trị nhưng yếu về kinh tế (Macron) và mạnh về kinh tế nhưng lại yếu về chính trị (Merkel)”. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy giai đoạn suy thoái của EU có thể đã bắt đầu- báo Süddeutsche Zeitung nhận định.

Trong bộ đôi Merkel-Macron, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang trở thành một trong các “kẻ bại trận” trong bầu cử Đức. Emmanuel Macron rất cần đến Thủ tướng Merkel để phục vụ các kế hoạch cải tổ nước Pháp, còn bà Merkel lại muốn Emmanuel Macron tính đến các vai trò đặc biệt của mình. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy việc trợ giúp cho bà Merkel để mạo hiểm “cài đặt lại EU” là sứ mệnh đầy mạo hiểm với ông Emmanuel Macron.

Còn theo tờ Slate.fr. của Pháp, “Thành công nửa vời” của Thủ tướng Đức A.Merkel trong bầu cử Quốc hội Đức vừa qua có thể sẽ khiến ông Macron phải xem xét lại các kế hoạch cải cách của mình. Kết quả bầu cử Đức không tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án cải tổ EU của ông Macron vì sau bầu cử, vị thế của bà Merkel trên chính trường Đức đã suy yếu nhiều.

Đối với bà Merkel, đây sẽ không phải là khoảng thời gian để thông qua các quyết định quan trọng về cải cách EU theo như mong muốn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước mắt, bà Merkel sẽ phải tiến hành đàm phán với đảng Dân chủ-Tự do và đảng Xanh trong bối cảnh đảng cực hữu “Sự thay thế cho nước Đức” (AfD) đã hoàn tất cú đột phá trong Quốc hội mới của Đức. Mặc dù đảng này đã chính thức bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán để thành lập chính phủ mới nhưng với 94 ghế có được trong quốc hội mới, AfD hoàn toàn có khả năng gây ảnh hưởng lên dư luận xã hội, huy động các lực lượng phản đối và thổi bùng tâm lý chống EU.

Kết quả của đảng AfD tại bầu cử Quốc hội Đức cũng có các hiệu ứng tâm lý rất quan trọng trong nội bộ EU.

Sự hiện diện của các đảng cực hữu tại quốc hội các nước EU hiện đã trở thành điều bình thường. Tuy nhiên, việc đảng cực hữu có ghế trong Quốc hội Đức - quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng với EU, lại là chuyện hoàn toàn khác và có thể khiến tình hình châu Âu trở nên xấu đi.

Rất nhiều điều đang phụ thuộc vào việc liệu số ít cực hữu trong Quốc hội Đức có thể gây ảnh hưởng lên chính sách EU ở mức nào. Và nếu Đức không đạt được sự đồng thuận nội bộ thì EU sẽ rơi vào tình cảnh như đứng trên bờ vực khủng hoảng và bắt đầu giai đoạn suy thoái.

 

Nguồn: INFONET