Tuần trước, Copenhagen, Amsterdam, Paris và nhiều thành phố ở châu Âu tổ chức Ngày không ô tô, để khuyến khích dịch chuyển sang các loại hình phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin AP, thành phố Berlin, thủ đô nước Đức lại đang đi hướng khác, khi tăng cường bảo vệ quyền của lái xe ô tô.
Con phố Friedrichstrasse ở Berlin, Đức từng được quy hoạch cấm ô tô, chỉ dành cho xe đạp và các phương tiện công cộng khác. Nhưng sau hai năm, cơ quan quản lý thay đổi quyết định. Bỏ làn riêng cho xe đạp và cho phép ô tô đi trở lại.
Những người yêu thích đạp xe cho rằng, trong khi nhiều đô thị lớn khác ở châu Âu đang mở rộng hỗ trợ, tăng cường hạ tầng cho người đi xe đạp thì Berlin lại đi ngược xu hướng và có thể bị tụt lại phía sau.
Chị Eva Albers - Người đạp xe tại Berlin, Đức: "Tôi đến từ Freiburg, miền Nam nước Đức và ở đó là thiên đường cho xe đạp. So với ở đây thì việc đạp xe khó khăn hơn".
Nhưng tất nhiên, đã có những ý kiến khác. Người đi ô tô ở Berlin thường chỉ trích cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp đang lấn chiếm không gian của ô tô. Berlin không chỉ là một thành phố mà còn là một bang, nghĩa là cơ quan lập pháp địa phương có tính độc lập cao trong việc đưa ra các luật liên quan đến thành phố.
Ông Sergei - Người lái xe ô tô tại Berlin, Đức: "Tất nhiên, mỗi thành phố đều cần có đường dành cho xe đạp, nhưng bạn không thể cứ thế lấy không gian của ô tô và trao cho người đạp xe được".
Bảo vệ lợi ích của người đi ô tô là trọng tâm trong kỳ bầu cử vừa rồi, giúp Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lên nắm quyền lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ.
Bà Ragnhild Soerensen - Người phát ngôn Tổ chức tư vấn Giao thông đô thị Đức: "Quan điểm của thành phố hiện tại là ủng hộ ô tô và giảm các ưu tiên dành cho loại hình phương tiện di chuyển bền vững như xe đạp. Tôi không nhìn thấy có nhiều cơ hội thay đổi trong giai đoạn lập pháp này".
Nhiều chính trị gia ở Berlin cho rằng mở các khu phố cấm ô tô là ý tưởng viển vông. Quyền lợi của người lái xe ô tô vẫn sẽ được bảo vệ ở thành phố này.