Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối trách nhiệm với NATO là “khuyến khích Nga gây hấn”.

 

Binh lính Mỹ ở châu Âu để “chết cho đồng minh”

Nhà báo Charles Krauthammer vừa có bài viết trên tờ Abilene Reporter-News về mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu thuộc khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong cuộc chiến tiềm năng với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Ông Krauthammer bình luận, trong bài phát biểu gần đây nhất hướng tới NATO, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “ngạo ngược” từ chối thừa nhận nghĩa vụ của mình theo điều khoản thứ 5 của Liên minh, trong khi đòi hỏi các đồng minh phải tăng chi tiêu quân sự.

Vị chuyên gia này cho biết, điều này gây sốc cho công luận, bởi trong thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ từng đe dọa Liên Xô sẽ “báo thù quy mô” trong trường hợp có xung đột, và ở chừng mực nhất định điều đó đã kiềm chế nguy cơ gây hấn và “bảo toàn hòa bình thế giới” trong suốt 70 năm.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Washington đã bố trí ở Tây Đức một đội quân lớn để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tràn sang từ Đông Đức.

Cho đến hiện nay, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì 28.000 binh lính Mỹ đồn trú.

Ông Krauthammer nhấn mạnh rằng, những người lính Mỹ hiện diện ở châu Âu thời đó không phải để chống cự cuộc xâm lược mà là để chết, bởi dù có duy trì hàng trăm nghìn quân ở châu Âu thì chừng đó vẫn không đủ để chống lại sức mạnh quân sự của Liên Xô.

Những người lính Mỹ hiện diện ở đó là bức thông điệp có ý thức gửi cho Liên Xô rằng, nếu liều lĩnh xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia đồng minh của Mỹ, thì sẽ giết chết vô số người Mỹ, mà điều đó ắt sẽ thúc đẩy tới cuộc chiến tranh tổng lực đầy đủ quy mô để tiêu diệt kẻ thù.

Tác giả bài viết nhận xét rằng, hiện nay, sự hiện diện của 28.000 quân Mỹ ở Đức cũng có giá trị tinh thần như vậy, chứ số lượng đó không đủ để ngăn chặn bước tiến của Nga.

Do đó, cam kết duy trì lực lượng ở châu Âu của các đời Tổng thống Mỹ là điều vô cùng quan trọng.

Các Tổng thống Hoa Kỳ, bắt đầu từ Truman cho đến trước Trump đều khẳng định cam kết của mình với NATO, bất kể là họ đóng góp rất nhỏ vào chi phí quân sự của NATO (Mỹ chiếm tới hơn 70%), rất nhiều nước có ngân sách quốc phòng chưa tới 2% như Đức và Anh.

Hiện nay, trong số 3 ông lớn NATO ở châu Âu, chỉ có duy nhất Pháp có ngân sách quốc phòng là là 55,7 tỷ, chiếm 2,3% GDP; còn ngân sách quốc phòng của Anh là 48,3 tỷ, chiếm 1,7% GDP; thậm chí Đức chỉ chi có 41,1 tỷ USD, chiếm vẻn vẹn 1,2% GDP.

Trump giảm quân ở châu Âu khiến NATO nguy khốn

Ông Trump liên tục tỏ thái độ “coi thường NATO”, gọi các đồng minh của Mỹ chỉ là "những ký sinh trùng ranh ma, sống bám vào chi phí giàu có và hào phóng của Mỹ".

Còn một trong những cố vấn của Trump là Newt Gingrich thì không hiểu sao lại tuyên bố rằng, "Estonia là vùng ngoại ô của Saint-Peterburg" (Nga)?

Ngoài ra, Trump không tiếc lời chỉ trích các đồng minh vì không đủ kinh phí chi cho quốc phòng và ép buộc các nước này là nếu không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể Mỹ sẽ rút một phần, thậm chí là rút hết quân khỏi châu Âu.

Bí ẩn sau tuyên bố: Lính Mỹ ở Đức là để chết - 0Lính Mỹ hiện diện ở Đức và châu Âu chỉ mang tính biểu tượng chứ không thể ngăn chặn được Liên Xô/Nga

Ông Trump nhấn mạnh rằng, hiện nay có tới 23/28 quốc gia thành viên (chủ yếu của châu Âu) chưa đóng góp đúng những gì phải làm, có nghĩa là chưa đạt mức tối thiểu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng mà hạn chót cho lộ trình gia tăng này là đến năm 2024.

Theo các báo cáo quân sự độc lập, hiện toàn bộ 28 quốc gia thành viên NATO dành hơn 900 tỷ euro cho cho tiêu quốc phòng, trong đó chỉ riêng Mỹ đã đóng trên 70% với 664 tỷ euro, trong khi các nước thành viên NATO ở châu Âu chỉ đóng góp 240 tỷ euro.

Để làm hài lòng Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm đầu tiên đến Brussels, các nước NATO đã cam kết trở thành “thành viên đầy đủ” của Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, hiện đang có tới 68 thành viên, bao gồm trong đó cả Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol - International Criminal Police Organization).

Đồng thời, NATO cũng nhất trí sẽ tăng cường hành động để đảm bảo một sự chia sẻ công bằng hơn các chi phí về an ninh - quốc phòng giữa các nước trong khối.

Thế nhưng, điều mà các quốc gia NATO ở châu Âu mong muốn nhất cũng không được đáp ứng, nguyên thủ quốc gia Mỹ đã không đưa ra lời bảo đảm về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các thành viên của khối, được quy định rõ ràng trong Điều 5 Hiệp ước NATO.

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh lần này không giống những cuộc gặp trước và cũng không Tổng thống nào của Mỹ giống như ông Donald Trump.

Sau gần 70 năm, ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên từ chối phát biểu rõ về cam kết công nhận thỏa thuận quốc phòng chung của khối, vốn nằm trong Hiệp ước Washington, và điều này là cú sốc rất lớn đối với các nước thành viên NATO ở châu Âu.

Krauthammer viết, Trump cố tình từ chối thừa nhận trách nhiệm của Hoa Kỳ liên quan đến Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO.

Như vậy, Vladimir Putin sẽ thấy không cần chú ý nghiêm túc tới biện pháp đáp trả của Mỹ khi Moscow gây hấn chống các đồng minh của Washington trong NATO.

Nguồn: Huy Bình
Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC