"Bạn cài đặt máy điều nhiệt ở mức nào?" đang là câu hỏi rất phổ biến trên khắp châu Âu giữa mùa đông lạnh giá.

10 tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, đối mặt với cái lạnh và giá điện tăng cao, người dân châu Âu buộc phải hạ mức nhiệt cài đặt trên máy điều nhiệt của mình.

Không ít người đã phải cắt giảm hóa đơn sưởi ấm để trả tiền thuê nhà. Với số khác, đây là điều đáng tự hào, giống như cách họ đóng góp để giúp cả châu lục không phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa đông lạnh giá, hay thể hiện sự đồng lòng cùng Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

1 Cach Chau Au Chong Choi Mua Dong Giua Bao Gia Nang Luong

Người phụ nữ dắt chó đi dạo tại một công viên ở phía nam London, Anh, khi tuyết rơi ngày 11/12. Ảnh: AP.

Do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông. Ngay cả ở khu vực Tây Âu tương đối giàu có, mọi người cũng đang phải tìm cách sử dụng nguồn nhiệt sao cho hợp lý nhất. Một số nhóm dễ bị tổn thương đã phải tắt hoàn toàn máy sưởi. Những tầng lớp vốn sống thoải mái với hóa đơn tiền điện nay cũng bắt đầu cảm nhận thấy sức ép. Hóa đơn sưởi ấm quá cao hay các phương pháp cách nhiệt nhà đặc biệt đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi tại những bữa tiệc tối.

Đức, cường quốc kinh tế của châu Âu, đang điều chỉnh lại nhiệt độ tại các văn phòng. Các chính trị gia Pháp mặc áo cao cổ và áo khoác mùa đông trong văn phòng hay ở nhà, thay vì tăng nhiệt độ sưởi như một cách để làm gương. Tại Anh, lực lượng cứu hỏa London đã phát cảnh báo cư dân không được đốt lửa trong nhà để sưởi ấm sau nhiều vụ hỏa hoạn gần đây.

Nhiệt độ hệ thống sưởi tại nhiều nơi làm việc ở Đức đã được thiết lập xuống 19 độ C theo quy định của chính phủ. Nếu người lao động đang đứng hoặc hoạt động, nhiệt độ sẽ được điều chỉnh giảm thêm một. Đối với những người làm công việc đòi hỏi hoạt động thể chất "nặng nhọc", luật quy định nhiệt độ phải đặt ở mức 12 độ C.

"Mỗi kilowatt giờ tiết kiệm được sẽ giúp chúng ta phần nào đó thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga", theo quy định về năng lượng được chính phủ Đức ban hành gần đây.

Một số không gian trong các tòa nhà công cộng, trong đó có những khu vực chung mà mọi người không nán lại quá lâu như sảnh hay hành lang, sẽ không được sưởi ấm hoàn toàn. Nhưng cũng có ngoại lệ đối với bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học.

"Xét về năng suất, người sử dụng lao động cũng phải quan tâm đến việc nhân viên không bị hạ thân nhiệt", Anette Wahl-Wachendorf, phó chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Công sở Đức, nói với đài truyền hình Deutsche Welle. Bà gợi ý mọi người nên dùng trà nóng, đi bộ vào giờ nghỉ trưa, trùm chăn và mang hai đôi tất một lúc.

Giới chức Đức hy vọng các công chức sẽ trở thành những "tấm gương tốt". Còn tại nhà riêng, chính phủ khuyến khích người dân giảm nhiệt độ, nhưng không bắt buộc.

Tại một số khu chung cư, nơi hệ thống sưởi được kiểm soát tập trung, ban quản lý đã quyết định chỉ điều chỉnh hệ thống sưởi ở 17 độ C vào ban đêm và 20 độ C vào ban ngày.

Theo Jutta Hartmann, đại diện Hiệp hội Người thuê nhà Đức, những biện pháp tiết kiệm chính phủ ban hành không mang lại nhiều ý nghĩa. "Chúng tôi thấy chúng không cần thiết. Là người đi thuê nhà, đương nhiên chúng tôi phải tiết kiệm giữa thời buổi chi phí sưởi ấm tăng cao", cô nói.

Khi Pháp công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng cho mùa đông này, Thủ tướng Élisabeth Borne tuyên bố 19 độ C là "quy tắc". Bà dường như đang trích dẫn một quy định lần đầu tiên được đưa ra trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, quy định rằng các phòng có hệ thống sưởi trung tâm nên được giữ ở mức nhiệt trung bình 19 độ C.

Về mặt lý thuyết, các công ty có thể bị phạt tới hàng nghìn USD nếu thiết lập nhiệt độ quá cao trong văn phòng, dù không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách này đang được thực thi. Tương tự, những người Paris thích ấm áp khi đi ngủ vẫn chưa bị cảnh sát gõ cửa. Chính phủ Pháp đang dựa vào tính tự giác của người dân, theo tờ Le Monde.

Một số biện pháp được đưa ra gần đây để chống biến đổi khí hậu cũng được kỳ vọng sẽ giúp Pháp tiết kiệm năng lượng, như cấm sử dụng đèn sưởi ngoài trời trên sân thượng nhà hàng hay quán cà phê. Tại Paris, những sân thượng nhà hàng vốn đông đúc trong những mùa đông trước đều đã trở nên vắng lặng trong đợt lạnh tuần qua.

Pháp đã thiết lập một hệ thống cảnh báo thiếu năng lượng mùa đông, sẽ gửi tín hiệu báo động cho người dân và doanh nghiệp khi tình hình trở nên nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, các cơ quan nhà nước sẽ giảm nhiệt trong các tòa nhà của họ xuống 18 độ C.

Anh đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước tới nay khi nhiệt độ lên tới 38 độ C. Tiếp đến là tháng 11 dịu mát và còn lại tháng 12 chỉ toàn mưa và tuyết lạnh.

Cuối tuần trước, Anh đã công bố một chiến dịch cộng đồng với khẩu hiệu "Tất cả chung sức". Trong số các mẹo mà chính phủ gợi ý, tắt bộ tản nhiệt khi bạn không ở trong phòng có thể tiết kiệm được $85 một năm.

2 Cach Chau Au Chong Choi Mua Dong Giua Bao Gia Nang Luong

Nữ mục sư thắp nến trước buổi lễ cầu nguyện tại một nhà thờ ở Berlin, Đức, hôm 18/12. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, giới chức Anh đang lo lắng về việc người dân phải hy sinh sức khỏe của mình để tiết kiệm tiền sưởi ấm. Chính phủ khuyến nghị mọi người nên để nhiệt độ những phòng mà họ sử dụng thường xuyên trong khoảng từ 18 đến 21 độ C.

"Mặc nhiều lớp mỏng sẽ giữ nhiệt tốt hơn là mặc một lớp dày", các quan chức Anh khuyên người dân. "Ăn nhiều thức ăn và đồ uống nóng cũng có tác dụng giữ ấm".

Thời tiết ở Anh không quá khắc nghiệt, nhưng vào mùa đông năm nay, một đợt lạnh giá đã khiến nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng, gây lo ngại sâu sắc cho khoảng 3 triệu gia đình có thu nhập thấp đang phải vật lộn để sưởi ấm ngôi nhà của họ mỗi ngày.

Trong bối cảnh hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt, chính phủ đã quyết định can thiệp bằng các khoản trợ cấp, kéo hóa đơn hàng tháng trung bình của một hộ gia đình xuống khoảng 253 USD. Nhưng mức này vẫn cao gần gấp đôi so với chi phí của năm ngoái.

Sarah Chapman, giám đốc vận động chính sách tại tổ chức hỗ trợ người khó khăn Wandsworth Foodbank ở phía nam London, cho biết họ đặc biệt lo lắng cho những người nghèo đang phải chật vật giữa cơn bão giá.

"Chúng tôi thực sự đang gặp những người không dám sử dụng điện. Họ tắt đèn, rút phích cắm tủ lạnh, các thành viên gia đình cùng chui hết vào một phòng để tiết kiệm điện thắp sáng và sưởi ấm. Một người cần bảo quản insulin của mình trong tủ lạnh nhưng buộc phải rút phích. Rủi ro sức khỏe là rất lớn", bà nói.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC