Greta Thunberg bị ba cảnh sát nhấc bổng và áp giải ra ngoài khi tham gia cuộc biểu tình phản đối mở rộng mỏ than ở miền tây Đức.

Cảnh sát Đức ngày 17/1 áp giải nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg và một số người biểu tình khác khỏi nơi họ tập trung để phản đối dự án mở rộng mỏ than Garzweiler ở làng Luetzerath, bang North Rhine-Westphalia của Đức.

Thunberg là một trong số 6.000 người biểu tình tập hợp tại Luetzerath từ ngày 17/1 để chống lại nỗ lực mở rộng khai thác mỏ than lộ thiên, vốn đe dọa phá hủy hoàn toàn làng Luetzerath.

1 Canh Sat Duc Khieng Greta Thunberg Khoi Noi Bieu Tinh

 Cảnh sát Đức khiêng Greta Thunberg khỏi nơi biểu tình

Cảnh sát khiêng nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg khỏi rìa mỏ than lộ thiên Garzweiler II tại làng Luetzerath, Đức, ngày 17/1. Video: KHOU 11

Dân làng Luetzerath đã rời đi và ngôi làng được phong tỏa, nhưng những người biểu tình vẫn bám trụ tại khu vực, dựng những ngôi nhà trên cây để "giữ đất". Cảnh sát cho biết đụng độ đã diễn ra khi một nhóm khoảng 50 người biểu tình đến gần rìa mỏ lộ thiên Garzweiler, nơi rất nguy hiểm, và từ chối yêu cầu rời đi.

Toàn bộ nhóm bị áp giải khỏi rìa mỏ và bị tạm giữ để xác định danh tính. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy Thunberg bị ba cảnh sát chống bạo động khiêng ra ngoài.

Cảnh sát từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về nhà hoạt động người Thụy Điển hay bất kỳ cá nhân nào khác tham gia biểu tình, do quy định về quyền riêng tư.

Greta Thunberg, 20 tuổi, nổi tiếng toàn cầu từ năm 2018, sau khi bỏ học để biểu tình vì môi trường bên ngoài quốc hội Thụy Điển vào thứ 6 hàng tuần. Phong trào của cô sau đó lan rộng khắp các nước, thu hút hàng triệu học sinh tham gia.

Năm 2019, cô gây chú ý với bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc chỉ trích người lớn và các lãnh đạo thế giới không chịu hành động chống lại biến đổi khí hậu. Thunberg đã được tạp chí Time bình chọn là "Nhân vật của năm" nhờ truyền cảm hứng về phong trào chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ Đức đạt thỏa thuận với công ty năng lượng RWE vào năm ngoái, cho phép công ty này giải phóng mặt bằng làng Luetzerath để mở rộng mỏ than, đổi lấy việc chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2030 thay vì 2038. Các bên đều cho rằng than hiện cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng Đức, vốn đang chật vật khi nguồn cung khí đốt Nga bị cắt.

Nhưng các nhà bảo vệ môi trường phản đối, tuyên bố rằng dự án này sẽ khiến Đức phát lượng lớn khí thải nhà kính và không đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng trong hai năm liên tiếp.

Cảnh sát và công ty RWE bắt đầu trục xuất những người biểu tình khỏi Luetzerath từ ngày 11/1, dỡ bỏ rào chắn, chặt hạ nhà trên cây và san bằng các công trình còn lại trong khu vực.

Biểu tình cũng nổ ra khắp miền tây nước Đức. Tại thành phố Cologne, hàng chục nhà hoạt động khí hậu dán cơ thể họ xuống mặt đường trên con phố chính và một tòa nhà chính quyền bang ở Duesseldorf.

Gần Rommerskirchen, một nhóm khoảng 120 người biểu tình đã ngồi trên đường ray xe lửa chở than tới nhà máy điện Neurath, từ chối rời đi. Tại một mỏ than ở Inden, một số người đã ngăn không cho máy móc khai thác hoạt động.

Đức Trung (Theo AP)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC