Thời tiết ấm áp hơn, chính sách trợ giá của chính phủ, các kho chứa khí đốt hoạt động hết công suất cùng năng lượng nhập khẩu từ các nước khác đã giúp châu Âu vượt qua mùa đông năm nay khá nhẹ nhàng, hạn chế thiệt hại kinh tế từ hậu quả của xung đột Nga - Ukraine.
Tại Dortmund, thành phố công nghiệp ở phía tây nước Đức, nhà máy bia Veltins học cách thích nghi với khủng hoảng năng lượng và vật giá bằng cách tái sử dụng chai lọ, chuyển đổi một phần lò đốt khí sang lò đốt dầu, đồng thời chi 32,5 triệu USD dự trữ nguyên liệu thô.
"Chúng tôi không phải giảm sản lượng", Ulrich Biene, phát ngôn viên Veltins, nói.
Máy móc chất than lên đầu máy xe lửa của công ty tàu hỏa Đức Harzer Schmalspurbahnen GmbH ở Saxony-Anhalt ngày 25/1. Ảnh: AFP
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga trước cuộc xung đột, đã tung ra khoản trợ cấp khổng lồ cho người dân, cố gắng lấp đầy các kho dự trữ và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng mới khi Moskva cắt khí đốt.
Chính phủ Đức tuần trước bày tỏ hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, dù dữ liệu ngày 30/1 cho thấy kinh tế Đức suy giảm nghiêm trọng trong ba tháng cuối năm 2022.
Để tăng cường nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay, Đức và các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, dù giá đắt hơn so với khí đốt vận chuyển qua đường ống của Nga.
Theo Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), nhập khẩu LNG ở châu Âu trong năm 2022 tăng 60% so với năm trước.
Kết quả là "các kịch bản tồi tệ nhất cho mùa đông 2022-2023 đã không xảy ra", Fabian Skarboe Ronningen, nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu thị trường điện tại công ty Rystad Energy, nói.
Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 72% công suất, gấp đôi thời điểm này năm ngoái. Nhiệt độ mùa đông năm nay ở châu Âu cao hơn bình thường, khiến người dân bật lò sưởi muộn hơn, giúp kiểm soát hóa đơn và đảm bảo kho dự trữ ở mức cao.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu năm 2022 giảm 12% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2021, theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels.
"Tôi nghĩ rằng điều này thật phi thường", Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên của Bruegel, nói.
Nguồn cung năng lượng cũng được thúc đẩy nhờ một số lò phản ứng hạt nhân của Pháp tái khởi động. Do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, giá năng lượng châu Âu tăng lên mức kỷ lục hơn 300 Euro/MWh vào tháng 8, trước khi giảm xuống vì chính phủ các nước tăng cường dự trữ.
Giá các hợp đồng tương lai lớn ở châu Âu hiện ổn định ở mức quanh 55 Euro, vẫn gấp đôi so với trước Covid-19. Một số nhà phân tích nhận định sẽ mất nhiều năm để giá năng lượng quay lại mức cũ.
"Mọi con mắt đang dồn về mùa đông 2023-2024", Ronningen nói, lưu ý nguồn cung từ Nga vẫn bị loại trừ. "Châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào LNG trong năm 2023, khi lượng khí đốt nhập từ Nga trong quý I năm nay rất thấp".
Nếu nhu cầu của châu Á tăng trở lại, "cuộc cạnh tranh nguồn cung LNG giữa châu Âu và châu Á sẽ gay gắt hơn, có thể dẫn tới giá tăng cao hơn hiện nay", ông giải thích.
Chuyên gia Tagliapietra, cho rằng châu Âu cần phải "tính đường xa" cho nguồn cung khí đốt của mình, trong khi bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống.
"Tôi cho rằng điều quan trọng là các nước châu Âu phải phối hợp để sớm làm đầy các bể dự trữ, vì chúng ta cần tránh cuộc cạnh tranh mua khí đốt từng diễn ra vào mùa hè năm ngoái", Tagliapietra nói. "Càng phối hợp, chúng ta càng tiết kiệm được nhiều tiền".
Hồng Hạnh (Theo AFP)