5 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về rời khỏi EU, một tổ chức có tên Reality Check (Kiểm tra thực tế) đã phân tích những tuyên bố và lời hứa mà chiến dịch "Ra đi" đã đưa ra trong quá trình vận động, và việc giờ họ điều chỉnh quan điểm thế nào. 

Chiến dịch vận động Brexit bị cáo buộc nói dối - 0

Về nhập cư:

Tuyên bố trong chiến dịch: Mức độ nhập cư có thể được kiểm soát nếu Anh rời EU. Điều này sẽ giảm bớt sức ép với dịch vụ công. 

Tuyên bố hiện nay: Mực độ nhập cư không thể giảm đáng kể với việc rời EU. Nỗi sợ về nhập cư không ảnh hưởng đến cách người dân bỏ phiếu. 

Việc nhập cư là vấn đề chủ chốt trong chiến dịch trưng cầu dân ý, và phe vận động ra đi đã coi đó là một trọng tâm trong chiến lược của họ. 

Con số mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia nói rằng, tổng số người nhập cư là 330.000 người. Đáp lại, thủ lĩnh Brexit Nigel Farage nói: "Nhập cư ồ ạt vẫn ngoài tầm kiểm soát một cách vô vọng và sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta vẫn ở trong EU". 

Tương tự, một thủ lĩnh Brexit khác, ông Boris Johnson, nói, giải pháp duy nhất với quy mô nhập cư mà Anh đang đối mặt là rời khỏi EU. 

Tuy nhiên trong một bài báo trên tờ Daily Telegraph ngày 27.6, ông Johnson phủ nhận chiến thắng cho phe Ra đi liên quan tới vấn đề nhập cư. 

Về đóng góp cho ngân sách Châu Âu:

Tuyên bố trong chiến dịch: Chúng ta tốn 350 triệu bảng mỗi tuần đóng góp cho Brussels. Số tiền này lẽ ra có thể chi tiêu cho Hệ thống chăm sóc y tế quốc gia (NHS). 

Tuyên bố hiện nay: Con số trên là sai, chúng ta sẽ không thể chi nhiều như vậy cho NHS. 

Một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhất trong chiến dịch là việc Anh chi 350 triệu bảng mỗi tuần, tức 50 triệu bảng mỗi ngày, cho Brussels. Các thủ lĩnh Brexit đã tung ra con số này, trong khi nhiều cơ quan, kể cả Cơ quan Thống kê Anh Quốc nói rằng Anh không gửi từng đó tiền tới EU bởi đã có một khoản trừ bớt trước khi tiền được chi tiêu. 

Cuối tuần qua, thủ lĩnh Brexit Nigel Farage nói rằng tuyên bố trên là một sai sót. 

Con số thực tế Anh gửi đến Brussels mỗi tuần là 276 triệu bảng, hơn 100 triệu bảng một chút trong số đó được chi cho các vấn đề của Anh, như trợ giá cho nông dân, tài trợ cho nghiên cứu. 

Về thị trường chung:

Tuyên bố trong chiến dịch: Anh không cần tiếp cận ưu đãi với thị trường chung.

Tuyên bố hiện nay: Anh nên tiếp cận ưu đãi với thị trường chung nhưng không được chấp nhận đi lại tự do để có các ưu đãi đó. 

Thủ lĩnh Boris Johnson trích lời tổ chức các chủ lao động Đức BDI Nói rằng sẽ tiếp tục có thương mại tự do và tiếp cận thị trường chung, nhưng BDI sau đó phủ nhận điều này. 

Nếu Anh muốn giữ lại việc tiếp cận ưu đãi thị trường chung, nhiều chính trị gia Châu Âu nói rằng họ phải tiếp tục chấp nhận đi lại tự do. 

Cho đến giờ không nước nào đàm phán thỏa thuận cho phép tiếp cận ưu đãi đầy đủ với thị trường chung EU mà không chấp nhận tự do đi lại. 

Theo BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC