Ngoài Maroc, Nigeria và Kenya, Chính phủ Đức cũng đã ký kết quan hệ đối tác di cư hoặc đang đàm phán để thực hiện điều này với Colombia, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Gruzia và Moldova.

1 Chinh Phu Duc No Luc Giai Quyet Cac Van De Lien Quan Den Nguoi Di Cu

Foto: Cảnh sát kiểm tra người nhập cư tại khu vực Forst, gần biên giới Đức-Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức đã và đang rất nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến người di cư.

Tháng 1 vừa qua, trong chuyến thăm Rabat, thủ đô của Maroc, Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức Svenja Schulze đã công bố quan hệ đối tác di cư mới với Maroc.

Đến đầu tháng 2, bà đã cùng Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Nigeria, Nkeiruka Onyejeocha khánh thành một trung tâm nguồn lực di cư mới ở Nyanya gần Abuja, thủ đô của Nigeria.

Trước đó, tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố chương trình hợp tác trong lĩnh vực di cư với Kenya nhằm thu hút lao động lành nghề từ quốc gia Đông Phi này.

Ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), những thỏa thuận này đã được thực hiện trong hơn 15 năm qua. Theo Cơ quan Đối tác Di cư do EU tài trợ, châu Âu hiện có khoảng 50 quan hệ đối tác di cư với các nước trên thế giới.

Theo ông Joachim Stamp, Ủy viên đặc biệt về Thỏa thuận di cư của Đức, quan hệ đối tác di cư là một phần của khái niệm tổng thể hướng tới giảm tình trạng di cư bất thường và tăng di cư hợp pháp.

Ông giải thích rằng trái ngược với các thỏa thuận di cư chung, quan hệ đối tác di cư thiên về trao đổi và hợp tác về lao động, đào tạo và thu hút lao động có tay nghề. Ý tưởng không chỉ là để đối phó với tình trạng di cư bất thường mà còn thay thế nó bằng di cư thường xuyên.

Chuyên gia về di cư Steffen Angenendt của Viện An ninh và Quốc tế Đức có trụ sở tại Berlin coi quan hệ đối tác di cư là “cực kỳ quan trọng” và “không thể thiếu." Tuy nhiên, ông cũng nhưng chỉ ra rằng các thoả thuận này không phải là “thuốc chữa bách bệnh cho các làn sóng di cư lớn."

Theo ông, các thỏa thuận trước đây nhìn chung không hiệu quả hoặc không đạt được hiệu quả như mong đợi vì tất cả các quan hệ đối tác di cư của EU được ký kết từ năm 2007 đều chủ yếu nhằm mục đích giảm nhập cư bất thường chứ không quan tâm đến lợi ích của các nước đối tác.

Những lợi ích này bao gồm việc mở rộng các cơ hội nhập cư thường xuyên để làm việc, học tập hoặc đào tạo tại các nước EU.

Xét ở một khía cạnh khác, các mối quan hệ hợp tác di cư lại chỉ phần nào giúp giảm làn sóng di cư vì hầu hết những người vào Đức với tư cách là người tị nạn đều đến từ các quốc gia có chiến tranh và nghèo đói.

Ông Stamp cho biết: “Chúng tôi không thể phát triển quan hệ đối tác di cư với các quốc gia như Syria và Afghanistan mà thay vào đó, Chính phủ Đức đang cố gắng hỗ trợ các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia này."

Theo Văn phòng Di cư và Người tị nạn Liên bang Đức, hầu hết những người xin tị nạn trong những năm gần đây đều từ Syria và Afghanistan. Trong 3 năm qua, số người xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lên, chiếm 19%.

Trong khi đó, các quốc gia mà Đức có quan hệ đối tác di cư, chẳng hạn như Gruzia, thường đứng cuối bảng thống kê./.

(TTXVN/Vietnam+)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC