Trong số hàng ngàn bức ảnh Ruth Becker chụp trước khi đi tị nạn tại Anh giờ đây chỉ còn vỏn vẹn hai cuốn album, và những bức ảnh ấy dường như có giá trị hơn tất cả những tấm sau này. Bởi trong đó có ba bức hình của em họ cô, Dora.
Trong ba bức hình ấy, tấm chân dung là bức yêu thích nhất của Ruth. Mặt Dora quay nghiêng một góc ba phần tư, miệng khép lại, cái nhìn hơi hướng xuống, tránh ống kính máy ảnh. Đó là bức hình khiến Ruth xem đi xem lại, bởi khi ấy cô mới tìm thấy trọn vẹn con người mình.
Năm 1933, Hitler được bầu làm thủ tướng Đức. Có những người sẵn sàng quỳ dưới chân quốc trưởng Đức quốc xã. Và có cả thế hệ trí thức yêu nước tại Đức đứng lên, đánh cược cả sinh mạng của mình để cho thế giới biết được những ý đồ của Hitler.
Và từ những cuộc phỏng vấn, hồi ký và cả tự truyện của một cộng đồng người Đức Do Thái chống đối Hitler, đứng đầu là nhà viết kịch Ernst Toller, những năm 1930 ấy, tác giả Anna Funder đã dựng lên một câu chuyện thấm đẫm tình yêu và chiến tranh với một câu hỏi luôn ám ảnh các nhân vật chính: “Liệu thế giới có quên đi rằng chúng tôi đã từng vất vả nỗ lực để cứu lấy nó?”.
Những người tị nạn thông hành qua Essex, London (Anh) năm 1938. Ảnh: Popperfoto/Getty Images.
Cuốn sách Trọn vẹn con người tôi được lấy cảm hứng bởi cả những sự thật và những điều không thật. Ruth Becker lấy tên từ một trong những người sống sót cuối cùng của con tàu Titanic. Ernst Toller là nhà viết kịch, nhà cách mạng nổi tiếng nước Đức công khai phải đối Hitler, ngoài các tác phẩm kịch, ông còn được biết đến với cuốn tự truyện nổi tiếng Tôi từng là một người Đức.
Hans Wesemann là nhà báo người Đức, bắt đầu được chú ý khi ông có bài phỏng vấn Toller trong tù vào năm 1923. Còn Dora Fabian, một nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa và chống Đức Quốc xã, nhưng không ai dám nhắc đến tên nàng ngoại trừ một bài báo ngắn ngủi viết về những người Đức tị nạn ở London thập niên 30.
Có lẽ trong văn chương, lâu lắm rồi mới có một nhân vật nữ chính cuốn hút như Dora. Nàng làm cầu nối giữa những người trí thức của Đức và của thế giới. Nàng thảo nên những bài phát biểu hùng hồn kêu gọi dân chúng đứng lên. Nàng đứng trong bóng tối sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để những người như Toller tỏa sáng mỗi khi anh đứng trước công chúng.
Trước một người phụ nữ nhỏ bé dũng cảm nhưng dành trọn tuổi xuân của mình cho đất nước như Dora, Toller đã phải thốt lên:
“Khi yêu một ai đó ta không thể nhìn ra xung quanh họ, không hiểu nổi vóc dáng con người đã giới hạn họ. Ta không biết tại sao một con người đồ sộ như thế trong mắt ta, huyền diệu và khó đoán định như thế, lại có thể vừa khớp, trọn vẹn với cái bộ da nhỏ nhắn đó”.
Cuốn sách Trọn vẹn con người tôi của Anna Funder.
Chính vì thế mà Anna Funder đã sáng tạo ra Trọn vẹn con người tôi để tưởng nhớ nàng Dora. Trong một ghi chú cho cuốn sách, Funder đã viết rằng: “Tôi đã tạo ra tất cả sự kết nối giữa các nhân vật, vậy nên tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho điều ấy”.
Trọn vẹn con người tôi là một hành trình vừa đẹp đẽ vừa bi thương khám phá những chiều sâu của lòng dũng cảm cùng cái giá của nó, về niềm tin và sự phản bội, về những ước mong và tham vọng, những mạo hiểm và hy sinh.
Đồng thời đây cũng là một câu chuyện xúc động tột cùng được khai thác tài tình dưới nhiều lăng kính khác nhau, về tình yêu, tình thân cùng lòng ái quốc, về những mảnh đời lưu vong giữa dòng chảy khốc liệt của lịch sử.
Nhà văn, nhà báo người Úc Anna Funder.
Cuốn sách được Anna Funder viết vào năm 2012 và ngay lập tức nhận được sự chú ý của giới phê bình. Trọn vẹn con người tôi đã chiến thắng giải Miles Franklin, giải thưởng danh giá nhất về văn chương của Úc.
Trước khi viết về chủ đề chiến tranh trong Trọn vẹn con người tôi, Funder từng đoạt giải Samuel Johnson cho cuốn sách phi hư cấu Stasiland hé lộ những câu chuyện đằng sau bức tường Berlin. Cả hai cuốn sách của cô đều đã được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng và nằm trong list sách bán chạy của các tờ báo lớn trong suốt nhiều tháng liền.
Nguồn: Thu Hoài
ZING