Đó là những nét cơ bản nhất để nói về phong trào Reichsbürger (Công dân của Đế chế), bị cáo buộc đứng sau âm mưu lật đổ chính phủ Đức.
25 thành viên và người ủng hộ phong trào Reichsbürger (Công dân của Đế chế) đã bị bắt giữ trong một chiến dịch bố ráp diễn ra ở 11 bang của Đức hôm 7-12 với sự tham gia của hơn 3.000 cảnh sát bao gồm lực lượng đặc nhiệm.
Cảnh sát dẫn giải Heinrich XIII P. R. trong một cuộc đột kích vây bắt các thành viên của phong trào Reichsbürger ở Frankfurt, Đức hôm 7-12. Heinrich XIII P. R., một cựu thành viên hoàng gia được cho là sẽ được đưa lên làm lãnh đạo của một chính phủ Đức mới sau khi Reichsbürger tổ chức đảo chính thành công. Ảnh: AP |
Những người này bị cáo buộc đã lên kế hoạch trong nhiều tháng qua cho “Ngày X” để lật đổ chính quyền. Các công tố viên cho biết họ mưu tính đưa một cựu thành viên hoàng gia Đức, được xác định là ông Heinrich XIII P. R., lên làm lãnh đạo của một chính phủ Đức mới trong tương lai.
Heinrich XIII P. R, nằm trong số 25 người bị bắt giữ, là một trong những hậu duệ cuối cùng của một triều đại từng cai trị các vùng phía đông nước Đức. Trong khi một nghi phạm khác, Ruediger v. P., sẽ được chọn người đứng đầu quân đội, với mục đích xây dựng một quân đội Đức mới. Heinrich XIII P. R. và Ruediger v. P. cũng được cho là hai người cầm đầu kế hoạch trên.
Tuần báo Der Spiegel của Đức cho biết Heinrich, năm nay 71 tuổi, đã liên lạc với các quan chức Nga với hy vọng đàm phán một số thỏa thuận sau khi họ nắm quyền kiểm soát Quốc hội Đức. Heinrich được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây vì cổ xúy tư tưởng phân biệt chủng tộc và các thuyết âm mưu, đồng thời đứng ra dẫn dắt phong trào Reichsbürger.
Công khai chống lại chính quyền
Phong trào Reichsbürger bao gồm các nhóm và cá nhân mang tư tưởng cực hữu, bạo lực ở Đức và không công nhận nền dân chủ Đức hiện nay. Trong những năm gần đây, phong trào thu hút sự chú ý của giới chức trách Đức vì những hành động bạo lực và chống đối chính quyền.
Theo hãng tin Deutsche Welle, các thành viên Reichsbürger phủ nhận sự tồn tại của Cộng hòa Liên bang Đức sau Thế chiến thứ hai. Họ cho rằng nhà nước hiện tại chẳng khác gì một cấu trúc hành chính vẫn bị các cường quốc phương Tây gồm Mỹ, Anh và Pháp chi phối. Những người này tự xưng là họ là công dân của Đế quốc Đức, vốn được thành lập vào 1871. Đối với họ, biên giới của Đế quốc Đức (German Reich 1871-1945) vẫn tồn tại sau Thế chiến thứ hai.
Hơn 3.000 cảnh sát tham gia chiến dịch bố ráp để khám xét nhà và bắt giữ các thành viên của phong trào Reichsbürger ở 11 bang của Đức hôm 7-12. Ảnh: DW |
Reichsbürger bao gồm một số nhóm nhỏ và cá nhân, chủ yếu hiện diện ở các bang Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern và Bavaria. Họ không công nhận tính hợp pháp của các cơ quan chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức. Họ từ chối nộp thuế và đưa ra các tuyên bố về “những lãnh thổ quốc gia” nhỏ của riêng họ, mà họ gọi là “Đế chế Đức thứ hai”, “Nhà nước Phổ tự do” hoặc “Công quốc Germania”.
Thành viên Reichsbürger tự in hộ chiếu và bằng lái xe riêng. Thậm chí, họ còn sản xuất áo phông và cờ với mục đích quảng bá phong trào của họ. Họ phớt lờ thực tế rằng các hoạt động đó là bất hợp pháp và không được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào của Đức công nhận. Họ tự hào tuyên bố ý định “tiếp tục cuộc chiến chống lại Cộng hòa Liên bang Đức” trên các trang web của họ.
Những kẻ bất mãn theo thuyết âm mưu
Giới chức trách Đức bị chỉ trích là đánh giá thấp mối đe dọa của Phong trào Reichsbürger trong một thời gian dài. Năm 2017, Văn phòng Bảo vệ hiến pháp (BfV) thuộc Bộ Nội vụ Đức, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước khỏi các thế lực phản dân chủ, đặc biệt là chủ nghĩa phát xít mới, bắt đầu theo dõi và thống kê các tội ác cực đoạn của những thành viên Reichsbürger. Kể từ đó, cảnh sát đã thực hiện một số cuộc bố ráp nhằm vào các thành viên của phong trào.
BfV ước tính hiện có khoảng 21.000 thành viên Reichsbürger ở Đức, với 5% trong số đó được phân loại là cực hữu.
Hầu hết thành viên Reichsbürger là nam giới, có tuổi trung bình trên 50. Họ được coi là những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, bài Do Thái và ủng hộ hệ tư tưởng Đức Quốc xã. Một thẩm phán tòa án địa phương ở bang Sachsen-Anhalt đã mô tả họ là “những người theo thuyết âm mưu”, là “những kẻ bất mãn”.
Phong trào Reichsbürger đã trải qua quá trình cực đoan hóa trong đại dịch Covid-19 khi họ được tiếp sức từ phong trào “Querdenker” (phản đối tiêm vaccine và đeo khẩu trang). Họ đã chối tuân thủ bất kỳ hạn chế nào trong thời kỳ dịch do chính quyền mà họ không công nhận áp đặt.
Dù phủ nhận hệ thống cơ quan chính quyền của Đức hiện nay, các thành viên Reichsbürger vẫn ồ ạt nộp đơn kiến nghị và phản đối đến các tòa án Đức để chống lại các lệnh của tòa và các yêu cầu thanh toán thuế của giới chức trách địa phương. Bất kể nội dung của các đơn này là gì, các cơ quan chức năng phải xử lý mọi yêu cầu chính thức và được nộp đúng quy trình.
Một số thị trưởng của các chính quyền địa phương cáo buộc, ngoài việc phải giải quyết quá nhiều yêu cầu phi lý, họ còn bị các Reichsbürger tấn công bằng lời nói và hành động bạo lực. Thành viên Reichsbürger thường quay phim những vụ tấn công như vậy rồi đăng lên mạng.
Các thành viên của một nhóm cực hữu tham gia một cuộc biểu tình ở Berlin hồi năm 2017. Ảnh: EPA |
Những thành viên là cựu quân nhân đặc biệt nguy hiểm
Thiên hướng sử dụng súng và tàng trữ vũ khí của các thành viên Reichsbürger khiến nhà chức trách lo ngại. Báo cáo mới nhất của BfV về Reichsbürger cho biết họ sẵn sàng thực hiện “các hành động bạo lực nghiêm trọng”. Cảnh sát đã tìm thấy những kho vũ khí và đạn dược lớn trong quá trình khám xét nhà của các thành viên Reichsbürger.
Vì một phần đáng kể của phong trào Reichsbürger là các cựu quân nhân của Lực lượng vũ trang của Cộng hòa Liên bang Đức (Bundeswehr) và Quân đội Nhân dân (NVA) của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, nên trong số họ có những người được huấn luyện quân sự đặc biệt và nhóm này được giới chức trách coi là đặc biệt nguy hiểm.
Trong vài năm qua, giới chức trách Đức đã thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí đối với hàng trăm người theo phong trào Reichsbürger.
Và trong những năm gần đây, các thành viên Reichsbürger đã thực hiện các vụ tấn công vào những sĩ quan cảnh sát tham gia các cuộc bố ráp. Khi hầu tòa, họ thường lập luận rằng họ có quyền bảo vệ “tài sản của mình”
Tại thị trấn Höxter, thuộc bang North Rhine-Westphalia, một nhóm từ “Nhà nước Phổ Tự do” đã âm mưu xây dựng lực lượng dân quân riêng bằng cách tuồn lậu vũ khí từ nước ngoài vào đất nước trong năm 2014.
Vào năm 2016, một sĩ quan cảnh sát bị một thành viên Reichsbürger bắn chết trong một cuộc đột kích của cảnh sát nhằm thu giữ kho vũ khí gồm hơn 30 khẩu súng mà hắn tàng trữ trái phép.
Vào năm 2021, một số thành viên Reichsbürger nằm trong số nhóm người biểu tình chống lại các hạn chế Covid-19 đã xông vào các bậc thềm của tòa nhà Reichstag, nơi đặt trụ sở Quốc hội Đức, ở thủ đô Berlin.
Trong năm nay, các nhà điều tra đã phát hiện một nhóm của Reichsbürger đã lên kế hoạch xông vào chiếm giữ trụ sở Quốc hội Đức cũng như tấn công nguồn cung điện của đất nước, đồng thời lật đổ chính phủ liên bang để sau đó lên nắm quyền. Thậm chí, họ đã có kế hoạch đưa một số cá nhân đảm nhận các chức vụ bộ trưởng quan trọng trong thời điểm “tiếp quản” chính quyền.
Theo Văn phòng Công tố liên bang Đức, các thành viên của Reichsbürger cũng có kế hoạch thành lập một chính phủ chuyển tiếp có nhiệm vụ đàm phán về trật tự nhà nước mới ở Đức với các cường quốc chiến thắng của phe Đồng minh trong Thế chiến thứ hai, trước hết là với Liên bang Nga.
HỒNG VÂN
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM