Theo nghiên cứu “The China Syndrome: Local Labor Market Effects of Import Competition in the United States” của Autor vào năm 2013, việc Trung Quốc gia nhập vào WTO vào năm 2011 đã có tác động sâu sắc đến việc làm và lương của những lao động có trình độ thấp ở Mỹ trong các lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Các công nhân bị mất việc đã không tìm được việc làm mới trong ngành khác, và những người vẫn giữ được việc làm lại phải cắt giảm mức lương lớn.
Nghiên cứu tương tự về nước Đức “The Rise of the East and the Far East: German Labor Markets and Trade Integration” của Dauth vào năm 2014 lại không cho thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào từ sự phát triển của Trung Quốc lên thị trường lao động của Đức. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao lao động ở Đức lại không phải chịu tình cảnh tương tự như lao động Mỹ cũng như của một số quốc gia khác.
Mức độ tiếp xúc với Trung Quốc
Các nước phát triển đều phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, nhưng sự đi lên của Trung Quốc tác động đến Mỹ nhiều nhất. Từ năm 2000 đến năm 2010, tỷ trọng hàng nhập khẩu Trung Quốc trong tổng số hàng nhập khẩu của các ngành công nghiệp cạnh tranh với Trung Quốc ở Mỹ đã tăng 25 điểm phần trăm. Ở Anh và Hà Lan, con số này đã tăng khoảng 16 điểm phần trăm.
Tây Ban Nha, Ý và Đức ít bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc hơn (với mức tăng 14 điểm phần trăm trong tỷ trọng nhập khẩu). Pháp và Thụy Điển ít bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của Trung Quốc nhất với mức tăng chỉ 13 điểm phần trăm trong tỷ trọng nhập khẩu. Do đó, mức độ tiếp xúc của Đức với Trung Quốc ít hơn rất nhiều so với Mỹ có thể giải thích một phần nào đó câu hỏi ở đầu bài báo.
3 lý do chính giúp thị trường Đức ‘miễn nhiễm’ với hàng nhập khẩu Trung Quốc
Nhưng cũng có nhiều lý do khác có thể giải thích vì sao Đức không vấp phải sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc giống như cách mà Mỹ phải chịu đựng.
Thứ nhất, theo Dauth, Đức vốn đã có xu hướng nhập khẩu hàng hóa (như hàng dệt may) từ các nước có chi phí thấp như Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi Trung Quốc xuất hiện. Do đó, sau khi Trung Quốc tham gia vào WTO, thì chỉ có nguồn hàng nhập khẩu bị chuyển hưởng – từ 3 quốc gia trên sang Trung Quốc.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng chỉ có việc làm ở Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ là mất đi, trong khi đó, việc làm ở Đức không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc xảy ra cùng thời điểm thương mại được tự do hóa ở các quốc gia Đông Âu. Là một nước láng giềng, Đức bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường tự do hóa ở Đông Âu. Trong khi Đông Âu là khu vực có nhân công tập trung vào tay nghề, thì nhân công của Trung Quốc lại phụ thuộc vào sức lao động. Do đó, 2 cú sốc thương mại tới từ Trung Quốc và các nước Đông Âu có tác động khá khác biệt lên thị trường lao động của Đức.
Điều này đã được thể hiện rõ trong nghiên cứu của Dauth. Sự phát triển của các quốc gia Đông Âu có tác động thương mại tích cực lên nước Đức bao gồm gia tăng việc làm trong ngành sản xuất. Vì vậy, sự cạnh tranh tới từ Trung Quốc đã được bù đắp bởi tác động thương mại tích cực của Đông Âu lên thị trường lao động của Đức.
Mỹ không nhận được sự trợ giúp tương tự từ Đông Âu vì thương mại của quốc gia Bắc Mỹ với khu vực này là không đáng kể. Sự tăng trưởng của Đông Âu đồng nghĩa với việc Đức sẽ cạnh tranh nhiều hơn với hàng nhập khẩu tới từ các nền kinh tế này, đồng thời, nhiều cơ hội xuất khẩu trong cùng ngành nghề cũng sẽ mở ra đối với Đức.
Thương mại giữa Đức và Đông Âu thường là trong cùng ngành công nghiệp khác với thương mại liên ngành công nghiệp giữa Đức và Trung Quốc. Ví dụ, Đức nhập khẩu hàng dệt may, đồ chơi và linh kiện máy tính từ Trung Quốc và xuất khẩu ô tô và máy móc theo chiều ngược lại. Trong khi đó, quốc gia này nhập và xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô sang các quốc gia Đông Âu.
Đông Âu có nhiều lao động có tay nghề. Do đó, khu vực này không chỉ tạo cơ hội thị trường mới cho các công ty Đức, mà còn là một đội ngũ công nhân lành nghề và giá rẻ. Các công ty của Đức cũng đã đặt các nhà máy sản xuất tại Đông Âu dẫn đến việc mở rộng chuỗi giá trị của Đức sang Đông Âu sau chiến tranh lạnh. Điều này cũng giúp Đức đối mặt với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng , vấn đề cực kỳ hóc búa trong những năm 1990s.
Đặt cơ sở sản xuất ở Đông Âu cũng giúp cho Đức giữ được chi phí thấp và giành được thị phần trên toàn cầu. Bằng cách này, mở rộng mạng lưới sản xuất sang Đông Âu thực tế lại giúp duy trì việc làm ở Đức. Một nghiên cứu gần đây của World Bank ước tính thương mại giữa Đức và Đông Âu chiếm 60% chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuối cùng, Đức được hưởng lợi nhiều hơn Mỹ từ sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu vì xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh chóng tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho những lao động thất nghiệp (do sự xuất hiện của các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc tại thị trường Đức).
Trong giai đoạn 1988 – 2008, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần. Trong 5 năm tiếp theo, ở giai đoạn sau khủng hoảng tài chính, xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Trung Quốc cũng tăng gần gấp đôi, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tại sao người Trung Quốc lại ưa chuộng hàng hóa của Đức như vậy?
Các công ty Đức áp dụng một phong cách quản lý phân quyền, ủy thác quyền quyết định tới các cấp thấp hơn trong hệ thống phân cấp của họ. Phong cách quản lý này tạo động lực cho nhân viên cải thiện chất lượng sản phẩm, giúp các công ty của Đức cạnh tranh về chất lượng hơn là giá cả. Nhờ quản lý phân quyền, nhân viên cấp thấp hơn ở các công ty được nhận thông tin tốt hơn về nhu cầu thị trường và tự chủ hơn trong quá trình đưa ra quyết định để điều chỉnh đặc tính của sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Kết quả là những nhà xuất khẩu Đức tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa chất lượng hàng đầu gấp gần 3 lần khi họ hoạt động theo mô hình quản lý phân quyền. Việc tập trung vào chất lượng sản phẩm có sức hấp dẫn cao với tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng về số lượng ở Trung Quốc. Trong khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ưa chuộng ô tô Đức, thì các công ty của nước này nhập khẩu các máy công cụ từ Đức.
Tóm lại, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình thương mại của Đức khả quan hơn của Mỹ nhờ 3 lý do: về mặt nhập khẩu, việc điều chỉnh thương mại để đối phó với cạnh tranh từ các quốc gia có nhân công rẻ vốn đã xảy ra ở Đức trước khi Trung Quốc bắt đầu nổi lên; sự phát triển của Đông Âu tạo cơ hội xuất khẩu mới cho các công ty Đức; và sự ưa chuộng hàng hóa chất lượng của người dân Trung Quốc được các sản phẩm của Đức đáp ứng một cách hoàn hảo.
Nguồn:Thời Đại