Khi châu Âu đe dọa tung đòn trừng phạt với Nga, họ nhận ra đang phụ thuộc vào Moskva đến mức nào về khí đốt, trong lúc khủng hoảng năng lượng tăng nhiệt.

Châu Âu đang thấm thía hơn hệ quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng, khi Pháp tuần trước thông báo một số nhà máy điện hạt nhân của họ gặp sự cố phải đóng cửa để điều tra, khiến giá điện hạt nhân tăng lên gần 340 USD/MWh ở hầu hết quốc gia châu Âu.

Tại Pháp, giá điện ngày 20/12 ở mức gần 499 USD/MWh, mức cao nhất ở châu Âu và cũng là giá cao nhất kể từ năm 2009, theo Energy Live.

Áo là quốc gia có giá điện cao thứ hai, với khoảng 490 USD/MWh. Ba Lan, nước có giá điện thấp hơn nhiều quốc gia khác, cũng ghi nhận mức tăng 110%, lên 388 USD/MWh so với một tuần trước.

Châu Âu đã phải vật lộn với nguồn cung điện hạn chế, khi các trạm điện gió, điện Mặt trời không sản xuất đủ năng lượng bù đắp cho tình trạng thiếu hụt từ các nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh đó, khí đốt ngày càng đóng vai trò quan trọng, khi châu Âu đối mặt với mùa đông lạnh giá.

Nhưng căng thẳng giữa Nga và châu Âu đang leo thang, sau khi NATO cáo buộc Moskva tập trung lực lượng quân sự lớn gần biên giới Ukraine để "chuẩn bị tấn công nước này", điều mà Điện Kremlin bác bỏ. Châu Âu đe dọa sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với Nga nếu Moskva có hành động quân sự tại Ukraine.

"Những động thái đó diễn ra giữa cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, vốn tồi tệ hơn khi Nga cố tình từ chối hành động bình thường theo thị trường là xuất khẩu khí đốt tới châu Âu trước mùa đông lạnh giá", Benjamin Schmitt, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, nhận định.

Một số quan chức châu Âu cũng cho rằng Nga, nước cung cấp 35% lượng khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu, đang sử dụng khí đốt làm vũ khí và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tổng thống Vladimir Putin kịch liệt phản bác cáo buộc, cho rằng nó "vô căn cứ" và không có mục đích gì khác ngoài động cơ chính trị.

1 Cuoc Chien Khi Dot Giua Nga Va Chau Au

Logo của tập đoàn Gazprom tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế tại St. Petersburg, Nga hồi tháng 10. Ảnh: AFP.

Thông điệp được Putin đưa ra trong bối cảnh có nhiều nhận định cho rằng Nga có thể biến vai trò thống trị của mình trong thị trường khí đốt châu Âu thành một "tấm khiên" để chống đỡ sức ép ngày càng tăng từ phương Tây, cũng như buộc Đức phải phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Nord Stream 2 đang là chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay. Nếu đường ống này được Đức phê duyệt, Nga có thể chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải đi qua lãnh thổ Ukraine, từ đó khiến Kiev mất đi nguồn thu quan trọng từ phí vận chuyển khí đốt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 21/9 ra tuyên bố cho rằng "Nga có thể làm nhiều hơn để tăng khả năng cung cấp khí đốt cho châu Âu". Tổng thống Putin tỏ ra tức giận trước báo cáo của IEA, nói rằng tập đoàn Gazprom của Nga đã tăng thêm 10% khí đốt cho châu Âu trong năm nay so với cùng kỳ 2020. Tổng xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu thậm chí tăng 15% nếu tính cả các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ bán đảo Yamal.

Một số người cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay không hoàn toàn do lỗi của Gazprom, mà là hệ quả từ một loạt yếu tố tiêu cực, từ mùa đông lạnh giá, nhu cầu LNG ở châu Á cao, quá ít năng lượng gió và sản lượng khí đốt trong các nước châu Âu giảm mạnh.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Nga không tăng thêm sản lượng khí đốt cho châu Âu trong khi có nguồn cung lớn, và liệu có phải Moskva cố tình giữ lại nguồn khí đốt để biến nó thành một công cụ chống lại sức ép từ phương Tây hay không.

2 Cuoc Chien Khi Dot Giua Nga Va Chau Au

Đường ống Nord Stream 2 (vạch đứt) từ Nga tới Đức. Đồ họa: BBC.

Alexander Gabuev, thành viên cấp cao của Trung tâm Moskva Carnegie, cho rằng phải tính đến cả yếu tố thị trường và địa chính trị khi đi tìm đáp án cho những câu hỏi này. Cách Moskva xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ liên quan tới ba mục tiêu: một là đảm bảo nước Nga có đủ khí đốt cho mùa đông, hai là tạo điều kiện phê duyệt nhanh Nord Stream 2 và cuối cùng là không để Ukraine có thêm lợi nhuận từ vận chuyển khí đốt bổ sung của Nga sang châu Âu.

Hồi mùa hè, các công ty châu Âu bắt đầu nhận thấy Gazprom giảm sản lượng khí đốt thông qua đường ống Yamal - châu Âu đi qua Belarus và Ba Lan, cũng như đường ống trên lãnh thổ Ukraine.

Gazprom, công ty độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống, nói cần ưu tiên nguồn cung cho các cơ sở lưu trữ trong nước mà họ cho là đã cạn kiệt từ mùa đông năm ngoái. Sau vụ hỏa hoạn tại nhà máy Novy Urengoy vào đầu tháng 8, dữ liệu hiện có cho thấy Gazprom thực sự cần bổ sung các kho khí đốt nội địa sau một mùa đông dài lạnh lẽo của Nga.

Theo ước tính của Bloomberg, kho lưu trữ nội địa của Gazprom chỉ ở mức 16%, thấp hơn nhiều so với mức thông thường 35-40% vào cuối mùa đông. Cũng giống như châu Âu, thời tiết lạnh và quá trình phục hồi sản xuất sau đại dịch đã làm cạn kiệt kho dự trữ khí đốt. Điều này có nghĩa Gazprom cần bơm tới 60 tỷ m3 khí đốt, bằng hơn 2/3 lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ năm 2020, vào kho lưu trữ nội địa để cung cấp nguồn cung ổn định cho khách hàng trong nước vào mùa đông năm nay.

Do đó, Gazprom áp dụng chính sách bảo đảm nguồn dự trữ trong nước, trong khi vẫn cố gắng hoàn thành các hợp đồng với châu Âu nhưng không cung cấp các lô hàng bổ sung. Nguồn cung hạn chế từ Gazprom và việc chuyển hướng đáp ứng nhu cầu lớn của châu Á đã gây sức ép cho thị trường châu Âu.

Dù Thứ trưởng Năng lượng Nga Evgeny Grabchak từng thông báo Gazprom sẽ tăng lượng khí đốt chuyển cho châu Âu từ đầu tháng 11, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu tới nay vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngoài mục đích dự trữ của Gazprom, các vấn đề liên quan tới địa chính trị được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. Kể từ thập niên 2000, sau khi Ukraine chống lại nỗ lực kiểm soát các đường ống dẫn khí đốt của Nga, Điện Kremlin đã chọn phương án xây dựng các đường ống không đi qua Ukraine.

Một trong số đó là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vận chuyển khí đốt từ các mỏ cũ của Nga đến Nam Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu kép là phá vỡ sự phụ thuộc vào Ukraine và thúc đẩy mối quan hệ với Ankara. Những đường ống khác như Nord Stream 1 và 2 kết nối các mỏ khí mới và khả thi hơn về mặt thương mại, vì chúng có quãng đường ngắn hơn và chi phí rẻ hơn cho khách hàng.

Vào cuối năm 2019, Naftogaz, thuộc sở hữu của chính phủ Ukraine, ký hợp đồng vận chuyển khí đốt với Gazprom đến năm 2024. Hợp đồng buộc Gazprom phải bơm ít nhất 40 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine mỗi năm bắt đầu từ năm nay và phải bù tiền nếu các lô hàng bị thiếu.

Gazprom có thể mua thêm công suất vận chuyển qua Ukraine nhưng sẽ chịu giá cao hơn. Tuy nhiên, trong cuộc họp hồi đầu tháng 10, Putin nói rõ Nga sẽ không tăng thêm lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine.

"Cung cấp khí đốt bằng đường ống mới rẻ hơn nhiều, tiết kiệm cho chúng ta khoảng 3 tỷ USD mỗi năm", Putin nói.

Moskva không muốn Kiev có thêm lợi nhuận. Điện Kremlin rất nhất quán trong nỗ lực gây khó khăn cho Kiev và tăng đòn bẩy của Nga với Ukraine. Giữ lại lợi nhuận từ vận chuyển khí đốt là một trong những công cụ để đạt được điều đó.

3 Cuoc Chien Khi Dot Giua Nga Va Chau Au

Công nhân tại địa điểm xây dựng Nord Stream 2 ở Kingisepp, vùng Leningrad, Nga hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Đồng thời, Nga đang cố gắng thúc đẩy Đức đưa vào hoạt động dự án Nord Stream 2. Tổng thống Putin và quan chức cấp cao Nga đã nói rất rõ rằng giải quyết những trở ngại pháp lý cuối cùng để khánh thành Nord Stream 2 là một cách để giảm áp lực cho thị trường khí đốt châu Âu.

Quá trình rải đường ống dưới đáy biển đã hoàn tất, nhưng Nord Stream 2 vẫn cần sự chấp thuận cuối cùng từ Cơ quan Mạng lưới điện Liên bang Đức và Ủy ban châu Âu trước khi bắt đầu vận chuyển khí đốt. Berlin và Brussels sẽ cần phải đồng ý về công suất mà Gazprom có thể sử dụng theo các quy định về năng lượng của EU.

Mặc dù Gazprom là bên cung cấp khí đốt duy nhất của Nga cho châu Âu vào thời điểm này, Điện Kremlin có thể giúp giải quyết bế tắc bằng cách cấp quyền tiếp cận đường ống dẫn khí đốt cho Rosneft nhằm phá thế độc quyền hàng thập kỷ của Gazprom.

Nga cũng đang nỗ lực thúc đẩy châu Âu chuyển một phần giao dịch thị trường mua ngay, có nghĩa lượng khí đốt được mua bổ sung ngoài mức cố định được đảm bảo bằng các hợp đồng dài hạn, sang một nền tảng giao dịch khí đốt trực tuyến mới ở St. Peterburg. Chuyển tới St. Peterburg thay vì các trung tâm thương mại khí đốt châu Âu như Rotterdam được cho là sẽ giúp Gazprom và các công ty khác của Nga tăng sức mạnh thị trường và gặt hái được nhiều lợi nhuận nhờ vận hành trung tâm kinh doanh khí đốt.

Liệu Nga có thể đạt được tất cả những mục tiêu này cùng lúc hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện thị trường, chính trị châu Âu và tất nhiên là cả thời tiết, theo Alexander Gabuev của Trung tâm Moskva Carnegie.

"Cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy Nga vẫn sẽ đóng một vai trò to lớn về vấn đề năng lượng của EU trong tương lai gần", Gabuev nhận định.

Thanh Tâm (Theo Foreign Policy, Newsweek)

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC