Ông Helmut Schmidt, từng là thủ tướng của Tây Đức từ năm 1974 đến năm 1982 đã qua đời ngày 10/11/2015 ở tuổi 96, theo thông báo từ văn phòng của ông.
Ông Schmidt là người theo đảng Dân chủ Xã hội, được coi là vị kiến trúc sư của Hệ thống Tiền tệ châu Âu, kết nối tiền tệ của các nước thành viên khối EU và là bước căn bản trong chặng đường dẫn tới đồng Euro.
Ông cũng có công củng cố nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ của Đức sau chiến tranh.
Ông được coi là một trong những lãnh đạo người Đức được biết đến nhiều nhất kể từ Thế chiến II.
Vị cựu lãnh đạo Tây Đức qua đời vào buổi chiều thứ Ba, 10/11/2015 ở Hamburg, truyền thông Đức dẫn lời bác sỹ Heiner Greten. Vị bác sỹ không công bố thêm chi tiết.
Ông Helmut Schmidt là chiến lược gia có tầm nhìn xa, người khi còn sống đã chứng kiến tham vọng của mình cho đất nước được hoàn tất năm 1990, phóng viên Jenny Hill của BBC ở Berlin viết.
Năm 1972, ông Schmidt là bộ trưởng tài chính thời chính quyền Willy Brandt, một nhà quản lý sáng suốt đã tạo ra nền kinh tế thần kỳ. Hai năm sau chính ông đã lên nắm quyền thủ tướng.
Bức tường Berlin chia rẽ hai miền Đông và Tây Đức là tiền tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh đầy nguy hiểm lúc đó.
Với kỹ năng ngoại giao sắc bén, ông Schmidt đã khá mềm mỏng với các lãnh đạo cộng sản ở phía bên kia, nhưng khi Liên Xô đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ khí, ông đã tỏ ra cứng rắn, phóng viên BBC phân tích.
Nhằm đối mặt với biểu tình mạnh mẽ trong nước, ông để Hoa Kỳ phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung trên đất Tây Đức nhằm giữ cân bằng quân sự.
Ủng hộ châu Âu mạnh mẽ, ông Schmidt cùng với các quan chức Pháp thực hiện Hệ thống Tiền tệ châu Âu năm 1979, tiền thân của đồng Euro.
Ông sẽ được nhớ tới với vai trò lãnh đạo đất nước kinh qua thời kỳ bạo động chính trị mà trong đó có nhiều nhóm - như Phái Hồng Quân - đã thực hiện tấn công bằng bom và bắt cóc, theo phóng viên Jenny Hill.
Năm 1982, chính phủ liên hiệp do đảng ông Schmidt dẫn dắt bị sụp đổ và ông mất quyền lực vào tay Helmut Kohl.
Mai Anh Theo BBC