Theo RT, người này được truyền thông địa phương nhắc đến với tên gọi Sami A, gốc Tunisa và đang sống tại thị trấn Bochum miền Tây nước Đức.
Sami A đã bị bắt giữ ngày 25/6 và đang chờ trục xuất về Tunisia. Ảnh: Funke.
Sami bị bắt hôm 25/6 sau khi Phòng Di trú và Tị nạn Liên bang (BAMF) dỡ bỏ lệnh cấm trục xuất người này. Giới chức Đức dự tính trục xuất Sami trở về Tunisia nhằm siết chặt chính sách di trú và tị nạn chính trị.
"BAMF hiện đã khởi động quy trình trục xuất cựu vệ sĩ của Osama bin Laden. Tôi đã chỉ đạo BAMF đặt vụ việc ở mức độ ưu tiên cao", Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer trả lời German Daily.
Theo hãng tin DW, Sami là một người truyền giáo có xu hướng cực đoan. Cơ quan an ninh địa phương cũng đưa Sami vào danh sách những người có khả năng tấn công khủng bố.
Thông tin về Sami rộ lên vào cuối tháng 4 sau khi truyền thông địa phương phát hiện tay cận vệ của bin Laden đang được hưởng trợ cấp xã hội của Đức.
Người này sống tại Bochum từ năm 1997. Mỗi tháng Sami nhận được 1.168 euro (hơn 1366 USD) trợ cấp xã hội cho bản thân, vợ và 3 đứa con.
Trong một phiên tòa năm 2005, Sami bị một nhân chứng cáo buộc từng làm vệ sĩ cho trùm khủng bố bin Laden trong vài tháng. Vì các lý do an ninh, mỗi ngày người này buộc phải trình diện cơ quan cảnh sát địa phương từ năm 2006 đến nay.
Năm 2015, một tòa án địa phương khác kết luận Sami từng ủng hộ nhóm khủng bố Al Qaeda. Theo nội dung phán quyết, đối tượng được huấn luyện tại một căn cứ khủng bố ở Afghanistan trước khi trở thành vệ sĩ của Osama bin Laden.
Sami vẫn cương quyết phủ nhận mọi cáo buộc, nói mình chỉ đến Pakistan để học về tôn giáo.
Người được cho là cựu vệ sĩ của Osama Bin Laden đã sống ở Đức từ năm 1997, hưởng trợ cấp xã hội đều đặn mỗi tháng. Ảnh: WAZ.
Tòa án thành phố Muenster năm 2017 lại cho rằng chính phủ Đức không thể trục xuất Sami trở về Tunisia. Tòa lo sợ đối tượng có thể bị tra tấn và chịu các hình thức đối xử "thiếu nhân tính" vì mối liên hệ với các nhóm cực đoan.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Đức tháng 5/2018 đã tuyên bố công dân các nước khác đang lưu trú tại Đức nếu bị xem là mối đe dọa đối với xã hội có thể bị trục xuất, kể cả các trường hợp người bị trục xuất có nguy cơ đối diện án tử hình khi trở về nước.
Tunisia đã không thực thi án tử hình từ năm 1991 đến nay, theo tờ báo địa phương Berliner Morgenpost.
Nguồn: ZING