VNG là công ty nhập khẩu và lưu trữ khí đốt lớn thứ 3 tại Đức. Họ muốn được hỗ trợ để "tránh thiệt hại thêm" và duy trì khả năng hoạt động của tập đoàn trong bối cảnh Nga giảm cung. EnBW - công ty mẹ của VNG cho biết đơn xin cứu trợ sẽ được nộp trong hôm nay.
"Các động thái này được thực hiện nhằm duy trì hoạt động cho công ty, đồng thời giải quyết khoản lỗ lũy kế hiện tại, phát sinh từ việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt", EnBW cho biết trong thông báo. "Các cuộc nói chuyện giữa VNG với cổ đông và chính phủ vẫn đang diễn ra, nhằm thảo luận các phương án bình ổn hoạt động cho công ty", thông báo viết.
Đồng hồ đo tại một cơ sở của VNG ở Lauchstaedt (Đức). Ảnh: Reuters
VNG có 2 hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga, cung cấp tổng cộng 100 terawatt giờ (TWh). Một hợp đồng với Nord Stream 1, do Gazprom sở hữu phần lớn. Một hợp đồng với Gazprom Germania - công ty con của Gazprom tại Đức đã được chính phủ Đức tiếp quản từ tháng 4.
EnBW nói rằng tổng thiệt hại từ hai hợp đồng này "vào khoảng vài tỷ euro". Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã dần giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến giá khí đốt tăng vọt.
Việc các hợp đồng không được thực thi đồng nghĩa "khí đốt phải được mua từ nguồn khác với giá cao hơn đáng kể". Nhưng sau đó, họ lại phải cung cấp cho khách hàng "với giá thấp hơn nhiều, theo điều khoản trong hợp đồng từ trước". Điều này khiến VNG thiếu thốn tiền mặt.
Trước VNG, Đức hồi tháng 7 đã phải tung 15 tỷ euro giải cứu một đại gia năng lượng khác là Uniper. Công ty này là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức. Từ tháng 6, họ đã xin cứu trợ từ chính phủ trong bối cảnh cạn kiệt tài chính vì gánh mức lỗ hàng chục triệu euro mỗi ngày.
Hà Thu (theo AFP, Reuters)
Nguồn: VnExpress