Hộ vệ hạm Bayern thăm cảng Nhà Rồng là minh chứng cho mong muốn hợp tác của Đức với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, theo Đại sứ Hildner.

1 Dai Su Duc Viet Nam La Doi Tac An Ninh Hang Hai Quan Trong

Foto: Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner trả lời báo chí tại buổi đón hộ vệ hạm Bayern ở cảng Nhà Rồng ngày 6/1. Ảnh: Thanh Danh.

"Đức nhận thấy Việt Nam là đối tác rất sẵn sàng hợp tác trong bảo vệ tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. Đây là một phần trong quan hệ rất sâu rộng và nhiều tiềm năng giữa hai nước", Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner ngày 6/1 chia sẻ với VnExpress, sau khi hộ vệ hạm Bayern của hải quân Đức cập cảng Nhà Rồng tại TP HCM.

Đại sứ Hildner đánh giá chuyến thăm của tàu Bayern là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Đức trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2011-2021). Ông cũng nhấn mạnh đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến hải quân Đức tới Việt Nam.

"Việt Nam là đối tác mang tầm quan trọng chiến lược với Đức. Điều này được thể hiện rõ khi Việt Nam và Singapore là hai điểm cập bến duy nhất của hộ vệ hạm Bayern ở Đông Nam Á", ông nói.

Theo ông Hildner, chuyến thăm của hộ vệ hạm Bayern đến Việt Nam nói riêng, cũng như hải trình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, đã thể hiện cụ thể mức độ nghiêm túc của Berlin trong đề nghị hợp tác với các nước cũng như triển vọng tăng cường hiện diện ở khu vực. "Đây là kết quả rất cụ thể của Định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Đức đã thông qua vào tháng 9/2020".

Trong Định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính phủ Đức vạch chiến lược thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của Berlin với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực có tầm quan trọng ngày càng lớn trên thế giới, nơi có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Đại sứ Hildner cho hay trong hải trình tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hộ vệ hạm Bayern đã đi qua Biển Đông, động thái "có vị trí rất quan trọng trong chương trình hoạt động tại khu vực". Thông qua hải trình này, Đức muốn tái khẳng định lập trường rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 "có hiệu lực trên Biển Đông", ông nói.

"Tự do hàng hải ở Biển Đông và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ ảnh hưởng tới những nước trong khu vực, mà là lợi ích của mọi quốc gia, giúp chúng ta kết nối trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa mạnh mẽ, đặc biệt về thương mại", ông nhấn mạnh. "Tự do hàng hải và tuân thủ UNCLOS là những mong muốn rất cơ bản đối với nước Đức".

Kế hoạch triển khai tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được chính phủ Đức công bố hồi tháng 1/2021. Tàu Bayern khởi hành vào tháng 8 năm ngoái và bắt đầu tiến vào Biển Đông hồi giữa tháng 12. Đây là lần đầu tiên trong 19 năm qua, một chiến hạm Đức đi qua Biển Đông, tuyến hàng hải có 40% dòng chảy thương mại của châu Âu đi qua.

2 Dai Su Duc Viet Nam La Doi Tac An Ninh Hang Hai Quan Trong

Hộ vệ hạm Bayern tại cảng Nhà Rồng hôm 6/1. Ảnh: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Sau khi đi qua Biển Đông, hộ vệ hạm Bayern cập cảng Changi tại Singapore rồi khởi hành tới thăm cảng Việt Nam.

Đợt triển khai diễn ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu cũng đang tăng cường hiện diện hải quân tại các vùng biển khu vực.

Pháp đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay duy nhất của nước này đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019. Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Elizabeth II của Anh cũng vừa hoàn tất chuyến hải trình tới khu vực trong năm ngoái. Chính phủ Anh cũng triển khai tàu tuần tra HMS Spey và HMS Tamar hiện diện thường trực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong bài bình luận trên trang Foreign Policy, nhà phân tích chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Blake Herzinger nhận định trong hải trình của mình, hộ vệ hạm Bayern không có những hoạt động diễn tập lớn như các tàu chiến khác của châu Âu, nhưng đây dường như là động thái "thăm dò" của Berlin trước khi có những bước đi mạnh mẽ hơn tại khu vực.

3 Dai Su Duc Viet Nam La Doi Tac An Ninh Hang Hai Quan Trong

Hộ vệ hạm Bayern cập cảng tại Tokyo vào tháng 11/2021 cho giai đoạn phối hợp tuần tra ở Đông Bắc Á. Ảnh: Kyodo.

Phó đô đốc Đức Kay-Achim Schonbach tháng trước cũng khẳng định hành trình tiến vào Biển Đông của tàu Bayern chỉ là "khởi đầu bằng những bước đi nhỏ" cho những lần hiện diện tiếp theo ở khu vực.

Mối quan tâm chính của Đức là duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực, tập trung vào các đối tác quan trọng của Berlin và nước này sẽ không bắt đầu bằng những hành động "đao to búa lớn", Schonbach nói.

Tuy nhiên, Đại sứ Hildner khẳng định Đức "không có nhu cầu thể hiện sức mạnh quân sự" ở khu vực và mong muốn hợp tác với mọi quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Nước Đức muốn tăng cường hợp tác chính sách an ninh với Việt Nam cũng giống như với mọi đối tác khác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đức sẽ gia tăng hiện diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó có an ninh", ông nói.

Thanh Danh, VNE




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC