Chủ tịch đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) Frauke Petry bất ngờ tuyên bố bà sẽ không cùng các cộng sự gia nhập Quốc hội Đức, chỉ một ngày sau cuộc bầu cử tại nước này và cho thấy một sự lục đục nội bộ bên trong AfD.

AfD đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức khi đã có được 13% số phiếu bầu, tương đương 94 ghế Quốc hội (Quốc hội Đức có 631 thành viên) dù chỉ là một đảng chính trị 4 năm tuổi mà thôi. 

Tuy nhiên, ngay sau thành công ngoạn mục của mình, AfD cho thấy đảng này đã bị chia rẽ ngay trong thành phần lãnh đạo của mình khi bà Frauke Petry tuyên bố bà sẽ không trở thành nghị sĩ dù đảng của bà giành được nhiều ghế trong Quốc hội Đức.

Đảng cực hữu AfD bất ngờ lục đục nội bộ nghiêm trọng - 0

Bà Frauke Petry - Financial Times

Financial Times cho hay nhiều chuyên gia chính trị nhận xét rằng bà Petry phải chủ động bỏ quyền vào Quốc hội do bà đã thua trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với những người cực hữu hơn trong đảng, dẫn đầu là chính trị gia lâu năm Alexander Gauland, 76 tuổi.

Ông Gauland tối 24.9 đã gây tranh cãi nghiêm túc khi nói rằng AfD sẽ "săn tìm Merkel hoặc bất cứ ai khác" và "đưa đất nước của chúng ta trở lại".

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông này cũng gây tranh cãi nặng khi nói rằng nước Đức hiện đại phải tự hào về những chiến tích mà quân đội Đức đã làm trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Hồi tháng 4, trong một phiên họp tại Cologne bà Petry đã cố gắng hướng đảng của mình trở nên "trung dung" hơn thay vì quá thiên lệch về cánh hữu với ý tưởng là phải "nghĩ xa hơn".

Bà Petry cho rằng phải như vậy thì đảng AfD của bà mới có tiếng nói lớn hơn, thậm chí là có cơ hội tham gia vào chính phủ liên minh ở các cấp độ bang lẫn liên bang. Tuy nhiên, ý kiến của bà không được các thành viên chủ chốt của AfD đồng ý.

Bà Petry tuyên bố hôm 25.9 rằng kể từ khi được thành lập hồi năm 2013 AfD luôn hướng mục tiêu là "nhanh chóng có khả năng điều hành" đất nước. Nhưng bà cho biết những tuần gần đây một số lãnh đạo của đảng lại đang xem con đường chính trị của mình là một "đảng của các nhà vô chính phủ".

Lãnh đạo của AfD cho rằng một nhóm chính trị gia như vậy "có thể thành công trong những việc chống đối, nhưng lại không có khả năng đưa ra những lời đề nghị đáng tin cậy để đảm nhận một vai trò trong chính phủ". Và đó là lý do chính nữ lãnh đạo AfD quyết định không trở thành nghị sĩ Quốc hội Đức.

"Chúng ta nên nói chuyện cởi mở trong những ngày này về những bất đồng mà chúng ta có trong đảng. Chúng ta không thể nào im lặng được", bà Petry nói.

Động thái gây sốc của thủ lĩnh AfD cho chúng ta thấy một sự căng thẳng ý thức hệ nghiêm trọng bên trong nội bộ đảng chính trị này, vốn là sự kết hợp của những người bảo thủ trung dung bị thất vọng bởi chính sách của eurozone dưới thời bà Merkel và những người cực hữu như Björn Höcke.

Björn Höcke là một người cực hữu, bị ám ảnh rằng nước Đức có thể bị "nuốt chửng" bởi những người nhập cư tàn phá bản sắc văn hóa của người Đức. Ông này hồi tháng 1 thậm chí còn tuyên bố rằng nước Đức hãy thôi chuộc lại lỗi lầm từ thời Đức Quốc xã và mô tả một di tích tưởng niệm người Do Thái bị giết trong thời Đức Quốc xã là một "đài tưởng niệm đáng xấu hổ".

Ái Vi /MOTTHEGIOI (theo Financial Times)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC