Foto: EU lo ngại về đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ngày 26/12, phát biểu với giới truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm và Chủ tịch Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian đều cảnh báo rằng Đức và châu Âu không nên để xảy ra xung đột thương mại với Mỹ.
Ông Russwurm nhấn mạnh sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương là điều quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh quốc tế hiện tại.
Do đó, để đáp trả lại đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (được ban hành hồi tháng 8 vừa qua và bị châu Âu chỉ trích mạnh mẽ), Liên minh châu Âu (EU) nên tìm ra một phản ứng chính sách công nghiệp thông minh, trong đó tập trung vào sự đổi mới và các công nghệ tương lai, thay vì những hành động đối đầu một cách sai lầm.
Quan chức BDI cho rằng hiện rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã và đang đầu tư ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Ngay cả khi đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ chưa được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã quyết định đầu tư tại Mỹ.
Thị trường này có giá năng lượng chỉ bằng 20% ở châu Âu, cộng thêm các khoản trợ cấp theo quy định của luật pháp Mỹ, khiến nguy cơ chuyển dịch sản xuất từ châu Âu sang Mỹ ngày càng tăng.
Ông Russwurm nhận định EU không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ vì đơn giản EU không có đủ sức mạnh để làm được điều này.
Do đó, ông cho rằng cả hai bên nên nỗ lực đàm phán các khía cạnh của thỏa thuận thương mại tự do song phương.
Đồng quan điểm với ông Russwurm, Chủ tịch DIHK Adrian cho biết hiện tại nhu cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư tại Mỹ của các doanh nghiệp Đức là rất lớn.
Đạo luật Giảm lạm phát mà Mỹ mới ban hành gây thiệt hại cho khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là một địa điểm đầu tư.
Đạo luật này cũng vi phạm một phần các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, việc đưa ra quy định bảo hộ tương tự để phản ứng với đạo luật của Mỹ là không có lợi cho nền kinh tế Đức và châu Âu.
Thay vào đó, theo ông, châu Âu và Đức cần khẩn trương đàm phán với Mỹ về vấn đề này./.
Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)