Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Trump có sự khác biệt lớn, cả về phong cách và bản chất...
Vì lẽ đó nên theo cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, họ “khó trở thành bạn tốt của nhau”.
Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp gỡ và thu hút sự chú ý của giới bình luận quốc tế.
Thủ tướng Merkel luôn biết cách kiểm soát và thận trọng. Bà Merkel, một nhà vật lý từ Đông Đức từng nhiều năm nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Đức và tạo ra ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực cũng như thế giới.
Bà Merkel thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và không bao giờ tỏ ra thích thú với sự chú ý có được bởi vị trí nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu.
Trong khi đó, Tổng thống Trump, vốn là một nhà kinh doanh tài ba trong lĩnh vực địa ốc, giàu có và ưa thích lĩnh vực truyền thông, sân khấu.
Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã có những phát ngôn gây sốc và thích là tâm điểm của sự chú ý.
Và khó có hai nhà lãnh đạo nào có sự khác biệt lớn, cả về phong cách và bản chất giống như Thủ tướng Đức và tân Tổng thống Mỹ.
Trong nhiều tháng qua, cả hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự khác biệt quanh vấn đề chính sách và giá trị.
Ngày thứ Sáu tới, bà Merkel và ông Trump sẽ có cuộc gặp đầu tiên.
Cuộc gặp này được dự báo sẽ rất quan trọng và được các nước trên thế giới theo dõi nhằm xác định về hướng đi trong tương lai của mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương, mối quan hệ giúp định hình trật tự thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhưng đã bị ông Trump đe dọa đảo ngược.
“Tôi có nên cho rằng họ sẽ trở thành bạn tốt của nhau hay không? Có lẽ là không. Họ có cá tính rất khác nhau”, ông Charles Kupchan, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.
“Nhưng tôi cho rằng họ rất quan tâm đến việc làm thế nào để làm việc cùng nhau, trên cả phương diện chính trị và chiến lược”, ông Kupchan cho biết.
Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp gỡ. Foto: DPA/ Reuters
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng giữa họ có nhiều lợi ích về chính trị và chiến lược để có thể hợp tác cùng nhau. Đây có thể là cuộc gặp quan trọng nhất giữa bà Merkel và ông Trump”, ông Charles cho hay.
Theo các quan chức Đức, bà Merkel, người vốn cẩn trọng trong từng chi tiết, đã chuẩn bị rất kỹ trước chuyến thăm Mỹ.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ban đầu được ấn định vào ngày 14/3 nhưng cuối cùng được dời sang ngày 17/3 để phòng tránh trận bão lớn có thể xảy ra ở Mỹ.
Nhà lãnh đạo Đức đã lắng nghe từng bài phát biểu của ông Trump và nghiên cứu kỹ các câu trả lời phỏng vấn của vị tân Tổng thống, gồm một bài hỏi và trả lời (Q&A) dài với tạp chí Playboy vào thập niên 1990 trong đó ông Trump đưa ra một số ý tưởng gây tranh cãi mà ông đang tìm cách thực hiện trên cương vị Tổng thống, giới chức Đức cho hay.
Những quan chức có mặt trong chuyến thăm Mỹ của bà Merkel lần này cũng phân tích các cuộc gặp của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới khác như Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Bên cạnh đó, phía Đức cũng trao đổi với các quan chức Mỹ để tìm ra cách làm việc phù hợp nhất với ông Trump, một cựu ngôi sao truyền hình thực tế khó đoán biết.
“Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho thực tế là ông ấy không thích nghe nói dài, ông ấy thích ý kiến rõ ràng, và không đi vào chi tiết”, một quan chức cấp cao của Đức nói.
Những khoảng trống lớn
Xét về cả chính sách kinh tế lẫn ngoại giao, ông Trump và bà Merkel đều có những khoảng cách khác biệt.
Ông Trump từng gọi quyết định mở cửa đón người tị nạn vào Đức của bà Merkel là “sai lầm thảm họa”.
Ông cũng đe dọa đánh thuế nhập khẩu mạnh tay đối với xe hơi Đức xuất khẩu sang Mỹ. Và ông cũng chỉ trích Berlin vì nước này không đầu tư nhiều tiền cho quốc phòng.
Một lý do dẫn đến căng thẳng khác giữa Đức và Mỹ là mức thặng dư thương mại 50 tỷ USD giữa hai nước.
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump cáo buộc Đức giành lợi thế thương mại bất bình đẳng thông qua đồng Euro yếu.
Trong khi đó, bà Merkel đã chỉ ra rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) chứ không phải Berlin kiểm soát tỷ giá của đồng Euro.
Một chủ đề khác cũng dự kiến được đề cập đến trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là vấn đề về Nga.
Giới chức Mỹ cho biết ông Trump sẽ tìm kiếm lời khuyên từ bà Merkel về cách làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, bà Merkel từng chỉ trích về sắc lệnh di trú cấm công dân một số nước có đông người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ.
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 1, bà Merkel đã giải thích với ông Trump rằng Công ước Geneva yêu cầu các nước ký kết, gồm Mỹ, có nghĩa vụ phải đón người tị nạn vì chiến tranh với lý do nhân đạo.
Bà Merkel cũng lo ngại rằng ông Trump, người thường xuyên ca ngợi việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), có thể tiếp tục gây ảnh hưởng xói mòn lên khối liên minh này.
Ông Trump là Tổng thống Mỹ thứ ba làm việc với bà Merkel, nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm nhất ở châu Âu hiện nay. Bà đã có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama.
Theo nhận định của Reuters, khi mà cuộc bầu cử ở Đức sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay, bà Merkel nhiều khả năng sẽ không tỏ ra thân thiện với ông Trump bởi làm vậy có thể đồng nghĩa với tạo lợi thế cho đối thủ chính trị của bà.
Nhưng chắc chắn rằng Thủ tướng Đức cũng không thể bày tỏ thái độ gay gắt vì như vậy có thể gây thiệt hại cho các lợi ích của Đức.
Một trong những vấn đề mà giới chức Đức lo ngại nhất trước chuyến thăm này là khả năng xảy ra những chuyện bất ngờ.
Bà Merkel từng chia sẻ rằng bà không cảm thấy thoải mái với những điều bất ngờ.
Và với cuộc gặp với ông Trump tới đây, hẳn Thủ tướng Đức cũng không mong điều bất ngờ.
Nguồn: Đào Vũ
Người Đưa Tin