Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại biên giới Đức - CH Séc ở Breitenau, miền Đông Đức. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của báo Thế giới Chủ nhật (WaS), Bộ trưởng Faeser đã công bố một loạt biện pháp chống lại việc người tị nạn xâm nhập trái phép lãnh thổ Đức, trong đó có việc kiểm soát biên giới với Ba Lan và CH Séc. Bà nói: "Các biện pháp kiểm soát bổ sung phải được kết hợp nhịp nhàng với việc giám sát toàn bộ khu vực biên giới bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên".
Cũng theo nữ chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), để triển khai kế hoạch này, Đức đã tăng cường cảnh sát liên bang tới khu vực biên giới chung với Ba Lan và CH Séc. Thậm chí trong thời gian tới, Đức sẽ phối hợp để triển khai cảnh sát liên bang trên lãnh thổ CH Séc như đã làm rất hiệu quả ở Thụy Sĩ để ngăn nạn xâm nhập trái phép của người tị nạn.
Ngoài ra, bà Faeser cũng kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề di cư trong tương lai, cho rằng thỏa thuận hiện hành của Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ về kiểm soát người tị nạn vào châu Âu chưa được vận hành tốt. Theo Bộ trưởng Faeser, điều quan trọng nhất là phải bảo vệ biên giới bên ngoài EU và điều này chỉ có thể làm được khi có một hệ thống tị nạn chung.
Cũng theo lời của Bộ trưởng Faeser, cả Đức, Ba Lan và CH Séc đều là thành viên EU với khu vực biên giới mở Schengen. Tuy nhiên, việc tái áp dụng kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen chỉ được phép thực hiện trong những trường hợp đặc biệt.
Trong thời gian qua, số người tị nạn đổ dồn tới châu Âu, đặc biệt là Italy và Đức, đã trở thành một trong những chủ đề chính được quan tâm ở khu vực này. Trong chuyến thăm đảo Sicily của Italy giữa tuần qua, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết nước này đang phải đối mặt với tình trạng nhập cư tràn lan. Cả Đức và Italy đều đã "chạm ngưỡng giới hạn chịu đựng” về làn sóng tị nạn.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nội vụ Đức đang thảo luận về dự thảo "Luật Hội nhập thị trường lao động và gia đình". Chính phủ Đức muốn tạo ra một khởi đầu mới trong chính sách di cư và hội nhập, phù hợp với một quốc gia nhập cư hiện đại mà ở đó mọi người cần được hội nhập xã hội nhanh hơn. Những điểm chính của dự luật bao gồm tạo điều kiện đoàn tụ gia đình cho những người được hưởng quy chế "bảo vệ phụ" và trẻ vị thành niên.
Theo dự thảo, những người xin tị nạn và những người được hưởng quy chế tạm dung để ở lại Đức sẽ được tiếp cận thị trường lao động dễ dàng hơn. Dự thảo có đoạn: "Bất kỳ ai nhập cư Đức trước ngày 7/12/2021 và đang ở trong lãnh thổ Liên bang Đức với quy chế tạm dung hoặc tạm trú sẽ được phép đi làm".
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người tị nạn, dự thảo cũng đề cập tới một số biện pháp siết chặt đối với những người tị nạn phạm pháp hoặc không đủ điều kiện để ở lại Đức. Theo đó, những hành vi vi phạm lệnh cấm nhập cảnh sẽ là căn cứ để giam giữ và chờ trục xuất trong tương lai.
Mạnh Hùng (TTXVN)