Tạp chí Spiegel dẫn nguồn tin an ninh giấu tên ngày 11/8 cho biết chính phủ Đức và tập đoàn quốc phòng MBDA đang đàm phán về quá trình chuyển giao tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 cho Ukraine. Các điều khoản về cung cấp tên lửa chưa được tiết lộ.
Giới chức Đức và tập đoàn MBDA chưa lên tiếng về thông tin.
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h.
Tên lửa sử dụng đầu nổ kép MEPHISTO nặng 481 kg, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ ở bên trong công trình ngầm của đối phương. Mục tiêu chính của KEPD 350 là hầm ngầm kiên cố, sở chỉ huy và liên lạc, sân bay, bến cảng, kho tàng vũ khí, tàu chiến và cơ sở hạ tầng.
Tên lửa Taurus KEPD 350 trong trạng thái chờ lắp ráp hồi năm 2018. Ảnh: Saab
Giới chuyên gia phương Tây nhận định nếu Đức chấp thuận chuyển tên lửa Taurus KEPD 350, động thái này sẽ thúc đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine. Chiến dịch tới nay chỉ đạt được tiến bộ một phần, trong khi lực lượng Ukraine chịu nhiều tổn thất.
Các đơn vị bộ binh Ukraine, với xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo, thiết giáp M2 Bradley của Mỹ và nhiều loại vũ khí chuẩn NATO khác do phương Tây cung cấp, đang phải vật lộn để vượt qua các lớp phòng thủ kiên cố với bãi mìn dày đặc của Nga.
Trong nỗ lực định hình chiến trường nhằm tạo thuận lợi cho chiến dịch, Ukraine nhiều lần phóng tên lửa Storm Shadow/SCALP EG tầm bắn 250 km nhằm vào kho vũ khí, nhiên liệu và sở chỉ huy của quân đội Nga, cùng hạ tầng dân sự như cầu đường bộ.
Nga sau đó không kích loạt căn cứ không quân của Ukraine để đáp trả.
Pháp và Anh đã viện trợ tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine, trong khi Đức và Mỹ tỏ ra do dự hơn trong vấn đề này. Berlin lo ngại nguy cơ chiến sự leo thang khi nước này cung cấp vũ khí có tầm bắn hơn 500 km cho Kiev, bởi chúng có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga.
Chính phủ của Thủ tướng Scholz từng trì hoãn viện trợ vũ khí cho Ukraine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Áp lực từ Washington và các đồng minh châu Âu khiến Berlin thay đổi chính sách, cung cấp ngày càng nhiều khí tài hiện đại và trở thành bên viện trợ vũ khí nhiều thứ hai cho Kiev.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET