Bên trong xưởng lắp ráp tại Thanh Đảo, Trung Quốc (Ảnh: Getty).
"Trung Quốc đang thay đổi. Điều này cùng với các quyết định chính trị của Trung Quốc buộc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận Trung Quốc", tài liệu chiến lược dài 40 trang của chính phủ Đức nêu rõ.
Tài liệu chỉ ra, Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng trong giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu, đại dịch cũng như trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, tài liệu cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc tìm cách định hình lại trật tự thế giới dẫn đến những hậu quả đối với an ninh toàn cầu.
Chiến lược đầu tiên về Trung Quốc được chính phủ Đức đưa ra sau nhiều tháng trì hoãn và tranh luận.
Tài liệu nhấn mạnh, Đức muốn duy trì mối quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, nhưng đồng thời giảm phụ thuộc Bắc Kinh trong những lĩnh vực then chốt bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bình luận: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là tách khỏi Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn giảm sự phụ thuộc trong tương lai gần".
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 đạt khoảng 335 tỷ USD.
Theo tài liệu, Đức đã quá phụ thuộc vào công nghệ dược phẩm của Trung Quốc, trong đó có kháng sinh, cũng như công nghệ thông tin và các sản phẩm dùng để sản xuất thiết bị bán dẫn, hay các tiền sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tài liệu tái khẳng định cam kết của chính phủ Đức trong việc điều chỉnh danh sách các sản phẩm chịu kiểm soát xuất khẩu trong bối cảnh phát triển công nghệ mới, bao gồm cả công nghệ giám sát và an ninh mạng.
Chính phủ Đức cũng sẽ ban hành các điều khoản để các dự án nghiên cứu và phát triển với Trung Quốc "có nguy cơ làm chảy máu chất xám" sẽ không được hỗ trợ bởi các quỹ liên bang hoặc chỉ trong một số điều kiện nhất định.
Theo AFP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí