Theo Financial Times ngày 3/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ tuyên bố sẽ cố gắng chấm dứt vòng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, một hành động có thể khiến căng thẳng giữa Ankara và Berlin tăng cao.
Bà Merkel đưa ra tuyên bố trên trong cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa bà với ứng viên Martin Schulz, ngay trước thềm cuộc bầu cử tại Đức.
Ý tưởng loại bỏ cuộc đàm phán vào khối EU của Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu do ông Schulz đưa ra nhưng bà Merkel đã cho thấy sự lão luyện trong kinh nghiệm chính trị của mình khi nhấn mạnh, bà sẽ thực hiện điều này chứ không chỉ "hứa hẹn".
Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Berlin đang xấu đi nhanh chóng.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang giam giữ 12 công dân Đức còn Berlin thì từ chối dẫn độ nhiều đối tượng phạm pháp cho Ankara.
"Thực tế rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành một thành viên của EU", bà Merkel nói và cam kết rằng, sẽ làm việc với các đối tác EU khác về một quan điểm chung, để các nước trong khối có thể chấm dứt cuộc đàm phán gia nhập này.
Hồi tháng 5, quan chức EU phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu - ông Johannes Hahn cũng khẳng định, ít nhất tại thời điểm này Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn cơ hội được gia nhập Liên minh châu Âu.
Reuters dẫn lời ông Johannes Hahn cho rằng, chính phủ các nước thuộc EU khẳng định quá trình đàm phán gia nhập Liên minh của Thổ Nhĩ Kỳ đã "chết".
Đức sẽ cố gắng chấm dứt vòng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Foto: DPA
"Mọi người đều rõ rằng, ít nhất là ở hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khỏi tầm nhìn của châu Âu. Lĩnh vực tập trung trong quan hệ của chúng tôi bây giờ là vấn đề khác", ông Hahn khẳng định.
Cũng theo quan chức EU này thì ông chưa có bất cứ cuộc họp nào về vấn đề kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 1 năm ngoái.
Mặc dù quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chính thức bị đóng băng, nhưng giới nghị sĩ EU đã hối thúc việc chính thức dừng những cuộc đàm phán về vấn đề này.
Thổ sẽ chủ động
Vấn đề gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ luôn là sự mặc cả giữa các quốc gia châu Âu đối với nước có sức mạnh quân sự thứ 2 trong khối NATO.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi mối quan hệ Nga-Thổ trở nên nồng ấm, Ankara đã coi việc gia nhập EU chỉ là cơn gió thoảng qua.
Chưa cần tới bà Merkel phải hành động, hồi tháng 6, Tổng thống Erdogan đã nhắc tới khả năng từ bỏ hoàn toàn tiến trình gia nhập vào EU.
''Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải tự hỏi họ sẽ làm gì bây giờ. Tôi cho rằng, từ bây giờ họ không có lựa chọn nào khác ngoài mở ra một chương mới trong tiến trình giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối. Nếu họ không họ làm vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải nói lời từ biệt với Liên minh châu Âu'', Tổng thống Erdogan mạnh mẽ tuyên bố.
Sở dĩ ông Erdogan tự tin như vậy là do Ankara đã có một phương án khác, dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu muốn tìm kiếm một thỏa thuận về kinh tế, Ankara hoàn toàn có thể hướng tới các thị trường đầy tiềm năng như Nga, Trung Quốc thay vì EU.
Nhà phân tích chính trị Mehmet Ali Guller nhận định:
"Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất cho nước này là chuyển từ quan hệ hợp tác với EU sang thúc đẩy quan hệ với các láng giềng Á - Âu, châu Á và Trung Đông, đặc biệt là Nga và Trung Quốc".
Đặc biệt, sự ảnh hưởng của yếu tố Nga tại Trung Đông đang ngày càng lấn át các chiến lược phương Tây và Mỹ gây dựng. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu ân đoạn nghĩa tuyệt thì bên phải lo lắng nhất không phải Ankara mà là EU.
Giới phân tích đã sớm hình dung ra sức mạnh của bộ 3 Nga-Thổ-Iran ở Trung Đông. Nếu phương Tây tiếp tục đẩy Thổ ra quá xa, chắc chắn họ sẽ sớm phải hối hận về quyết định này.
Tú Uyên
Báo Đất Việt