Pháp và Malta trước đó đã đưa ra quyết định tương tự.
Một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho hay Đức và Italy đã đi đến nhất trí trên trong khuôn khổ các cuộc đối thoại đang diễn ra liên quan đến hợp tác song phương về chính sách tị nạn.
Động thái của Chính phủ Đức được đưa ra sau khi Italy yêu cầu các nước EU chia sẻ trách nhiệm trong vụ 450 người di cư bị mắc kẹt ở bờ biển Italy sau khi không nước nào chịu mở cảng cho các tàu này.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trước đó đã trao đổi với 27 lãnh đạo các nước EU, nhắc lại cam kết giữa các bên tại hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 6 về việc chia sẻ gánh nặng trong vấn đề người di cư.
Ông Conte cho biết, Italy sẽ tiếp nhận một số trong số 450 người di cư nếu các nước EU khác chịu chia sẻ trách nhiệm này.
Sau đó, Pháp và Malta đã đồng ý mỗi nước tiếp nhận 50 người di cư trong số này.
Tuy nhiên, một nước thành viên EU là Cộng hòa Cezch đã từ chối lời đề nghị trên, đồng thời khẳng định lập trường cứng rắn về việc không tiếp nhận người di cư và đưa những người này trở về quê hương để nhận hỗ trợ thay vì được phép vào EU.
450 người di cư trái phép trên đã vượt biển từ Libya trên một chiếc thuyền gỗ và được 2 tàu tuần tra của EU tìm thấy vào sáng 13/7 tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Malta.
Người di cư trên tàu tuần duyên Diciotti của Italy. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy Matteo Salvini, người phụ trách quản lý các cảng biển nước này, đã từ chối cho tàu cập cảng Italy, theo chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, thay vào đó yêu cầu 2 tàu “hướng về phía Nam, tới Libya hoặc Malta”.
Tuy nhiên, Malta cho rằng, các tàu trên ở gần đảo Lampedusa thuộc Italy hơn Malta, đồng thời khẳng định nước này không vi phạm “nghĩa vụ nào theo các quy ước quốc tế” về giải cứu người gặp nạn trên biển.
Nguồn: TTXVN