Theo các quan chức cao cấp của Đức, Nội các Đức đã phê chuẩn ngân sách 2017 và các kế hoạch tài chính cho đến năm 2020.
Đức dự kiến giảm nợ công xuống dưới mức tương đương 60% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2002, đáp ứng quy định của Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của Liên minh châu Âu (EU).
Nội các Đức đã nhất trí triển khai các kế hoạch hướng tới một ngân sách cân bằng trong bốn năm tới theo đúng lộ trình bất chấp cú sốc từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới việc nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Chính phủ Đức hy vọng các kế hoạch của nước này về tăng chi tiêu ngân sách một cách từ từ mà không làm tăng nợ mới cho đến năm 2020 sẽ truyền đi một thông điệp về “sự tin cậy và tính liên tục” sau vụ Brexit.
Theo các quan chức chính phủ Đức, nước này có thể tăng mức chi tiêu ngân sách mà không tạo ra nợ mới nhờ nguồn thu ngân sách từ thuế tăng trong bối cảnh số việc làm được tạo ra tăng lên mức cao kỷ lục và chi phí tái cấp vốn siêu thấp, nhờ chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Động thái trên trái ngược với hành động của Vương quốc Anh khi Bộ trưởng Tài chính nước Anh George Osborne cho biết sau Brexit, ông đã từ bỏ mục tiêu đạt thặng dư ngân sách vào năm 2020 – từng là tâm điểm của chính sách tài khóa do ông khởi xướng.
Theo Reuters