Theo Oddity Central, do luật riêng tư nghiêm ngặt của Đức, danh tính của cựu nhân viên 30 tuổi, từng làm việc cho Bảo tàng ở thành phố Munich, chưa được tiết lộ. Nhưng có thông tin cho rằng anh ta thừa nhận đã thay thế ít nhất 4 bức tranh bằng các bản sao trong thời gian làm việc ở đó (2016 - 2018).
Anh ta bị cáo buộc đã bán các tác phẩm nghệ thuật tại một số cuộc đấu giá, dùng số tiền này để trả nợ và sau đó mua những món đồ xa xỉ, bao gồm cả một chiếc xe Rolls-Royce và những chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền.
Ảnh minh họa.
Nhà đấu giá liên quan đến việc bán 3 bức tranh bị đánh cắp nói rằng “đơn giản là chúng tôi không thể xác định chúng là tài sản bị đánh cắp”, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã hợp tác với chính quyền trong quá trình điều tra.
Các công tố viên nói trước tòa: "Bị cáo đã lợi dụng cơ hội vào phòng chứa đồ một cách trơ tráo, bán tài sản văn hóa có giá trị để phục vụ lối sống cao của bản thân và để khoe khoang".
Nhân viên bảo tàng này đã đánh cắp bức tranh “Das Märchen vom Froschkönig” (Câu chuyện về hoàng tử ếch) của họa sĩ Franz von Stuck, thay thế nó bằng một bản giả và đưa bản gốc ra bán đấu giá.
Anh ta nói với nhà đấu giá rằng tác phẩm nghệ thuật này thuộc về ông bà cố của anh ta và đã kiếm được gần 50.000 euro (1,2 tỷ VNĐ) sau khi trừ phí đấu giá.
Sau đó, anh ta tiếp tục đổi bức “Die Weinprüfung” (Thử rượu) của họa sĩ Eduard von Grützner và bức “Zwei Mädchen beim Holzsammeln im Gebirge” (Hai cô gái nhặt gỗ trên núi) của Franz von Defregger. Gã đem bán chúng cho cùng một nhà đấu giá, kiếm được hàng ngàn euro.
Người đàn ông này cũng đánh cắp bức “Dirndl” của Franz von Defregger và cố gắng bán nó thông qua một nhà đấu giá khác ở Munich, nhưng không được.
Dù phạm tội lớn nhưng người đàn ông này đã tránh được án tù, chỉ phải nhận 21 tháng tù treo và trả lại cho bảo tàng hơn 64.000 USD (1,5 tỷ VNĐ).
Trong phần phán quyết, tòa án lập luận rằng họ đã tính đến lời thú tội của người đàn ông và thực tế là anh ta đã thể hiện "sự hối hận thực sự".
"Anh ta nói rằng mình đã hành động mà không suy nghĩ”, phán quyết của tòa án viết. “Anh ta không nói gì để bào chữa hành vi của mình”.
Hành vi đánh tráo tranh của nhân viên này bị phát hiện khi một nhà nghiên cứu xuất xứ nhận thấy rằng bức tranh “Das Märchen vom Froschkönig” có điều bất thường, như thể nó là “một bản sao khá vụng về”, mặc dù vẫn được đặt ở đúng khung.
Điều này cho thấy ai đó đã tráo đổi nó bằng một bản sao. Cuộc điều tra sâu hơn về kho lưu trữ của bảo tàng đã dẫn đến việc phát hiện ra 3 bức tranh khác bị mất tích.
“Nhân viên của chúng tôi đều rất đáng tin cậy, nhưng bạn không thể làm được gì nhiều nếu một nhân viên có ý đồ xấu. Anh ta không có tiền án trước đó và chúng tôi không có cách nào để biết anh ta có khả năng làm được điều này khi thuê anh ta”, người phát ngôn của Bảo tàng Deutsches cho biết.
Theo Phụ nữ Việt Nam