Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố châu Âu nên hình thành một "đối trọng" với Mỹ khi Washington "vượt giới hạn đỏ."

Trong một đoạn bình luận đăng ngày 21/8 trên trang trực tuyến của Handelsblatt, tờ báo về thương mại của Đức, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh nước Đức muốn có mối quan hệ đối tác cân bằng với Mỹ, một mối quan hệ mà trong đó sự cân bằng vẫn được đảm bảo ngay cả khi Mỹ thoái lui.

Ngoại trưởng Đức nhận định Berlin sẽ không thể "đơn thương độc mã" có được mối quan hệ kiểu này và mục đích xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Đức là xây dựng một châu Âu có chủ quyền vững mạnh.

Điều này sẽ chỉ đạt được khi các cường quốc châu Âu là Đức, Pháp hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước khác trong châu lục và tạo thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ.

Ông nhấn mạnh châu Âu dựa vào sức mạnh của luật pháp, sự tôn trọng lẫn nhau cùng nhận thức sâu sắc rằng hợp tác quốc tế không phải là trò chơi có tổng bằng không.

Liên quan tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc thế giới (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký với Iran, theo Ngoại trưởng Maas, châu Âu cần thiết lập một hệ thống thanh toán độc lập với Mỹ nếu muốn cứu vãn văn bản này sau sự quay lưng qua chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông cho rằng châu Âu cần củng cố sự tự chủ của mình thông qua các kênh thanh toán hoàn toàn độc lập với Mỹ, đó có thể là một Quỹ Tiền tệ của châu Âu hay một hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) độc lập...

Quan chức ngoại giao Đức nhấn mạnh với thực tế hiện nay, châu Âu cần hành động để Mỹ hiểu rằng dù luôn đặt ưu tiên hợp tác xuyên Đại Tây Dương, song châu Âu sẽ không cho phép Mỹ gây tổn hại tới các lợi ích của mình mà không tham vấn.

42 1 Duc Hoi Thuc Chau Au Hinh Thanh Mot Doi Trong Voi My

Foto: Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Nguồn: THX/TTXVN

Các bình luận trên của Ngoại trưởng Đức được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chịu áp lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt trước đây đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã cập nhật một đạo luật nhằm ứng phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp hoạt động tại Iran, theo đó cho phép Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ cho các dự án ở Iran.

EU tuyên bố ban hành "quy chế phong tỏa" nhằm bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận của Mỹ chống Iran.

Tuy nhiên, các biện pháp của EU vẫn không ngăn được nhiều doanh nghiệp châu Âu rút khỏi Iran nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ./.

Vietnam+




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC