Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có khoảng thời gian thư giãn trong một khu vườn xinh đẹp ở một cung điện vùng nông thôn Đức khi họ bắt đầu bàn bạc về một hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới.
Diễn biến này cho thấy một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga với Đức – nước từng là “bạn thân” của Moscow nhưng đang là nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu đối đầu gay gắt với Nga.
Mỹ không hài lòng về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2
Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức trông giống như những người bạn cũ khi họ nhâm nhi rượu và ngồi thư giãn trong khu vườn khi mặt trời chiếu những tia sáng lấp lánh.
Chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của buổi gặp gỡ ngày hôm qua (18/8) giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel là về dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Đường ống khí đốt này nếu được xây dựng sẽ giúp chuyển khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic đến Đức.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trở nên gây tranh cãi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Berlin "trở thành con tin của Nga" vì mua khi đốt của Moscow.
"Đức hoàn toàn bị kiểm soát bởi Nga. Tôi cho rằng điều đó rất là tồi tệ đối với NATO, và tôi không nghĩ điều đó nên xảy ra", Tổng thống Trump từng phát biểu như vậy tại cuộc họp của G7 hồi tháng trước.
"Các bạn chỉ đang làm cho Nga trở nên giàu hơn. Các bạn không phải là đang đối đầu với Nga, các bạn đang làm cho Nga giàu hơn", ông Trump nói.
Cuộc tranh cãi về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 căng thẳng đến mức Tổng thống Trump đã ném hai chiếc kẹo Starburst về phía Thủ tướng Merkel và nói: "Đây, bà Angela. Đừng nói là tôi không bao giờ tặng cho bà bất kỳ thứ gì".
Ukraine cũng quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi nước này sợ rằng một hệ thống đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ của họ có thể sẽ không còn được cần đến nữa. Phần phí mà Ukraine thu được từ việc đóng vai trò làm trạm trung chuyển khi đốt cho Nga chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ.
Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều trấn an rằng, Ukraine vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển khí đốt cho Châu Âu.
Tổng thống Putin nói:
"Dòng chảy Phương Bắc 2 đơn thuần là một dự án kinh tế và nó không kiến đường ống trung chuyển khi đốt qua Ukraine bị đóng".
Ukraine cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức ở Cung điện Meseberg, phía bắc thủ đô Berlin.
Thủ tướng Merkel cho hay, họ đã thảo luận về việc đem đến hòa bình cho Ukraine thông qua vai trò của Liên Hợp Quốc. Bà Merkel bày tỏ hy vọng sẽ có các nỗ lực nhằm tháo gỡ những khúc mắc, rắc rối giữa lực lượng quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý.
Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít. Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng.
Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, "tiếp tay" cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine.
Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Tuy nhiên, gần đây, Đức có nhiều dấu hiệu cho thấy, nước này bắt đầu muốn làm lành với Nga. Đã có không ít nhà lãnh đạo cấp cao, chính khách, giới chuyên gia và doanh nhân lên tiếng đòi chính quyền Đức phải từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.
Nguồn: Kiệt Linh/ Vnmedia.vn