Cuối tuần qua, kết quả một cuộc khảo sát dư luận được công bố cho thấy, hơn ba phần tư người dân Đức lo ngại đất nước sẽ bị tấn công khủng bố.

 Vụ xả súng kinh hoàng ở München khiến 9 người thiệt mạng, vụ tấn công bằng rìu trên tàu hỏa ở bang Bayern và gần đây nhất là vụ đánh bom liều chết ở quán bar gần Nürnberg đã chứng minh, mối lo sợ này hoàn toàn có cơ sở.

Đức liên tiếp bị tấn công khủng bố: Nguyên nhân tại sao? - 0

Cảnh sát có vũ trang Đức có mặt tại hiện trường vụ xả súng đẫm máu ở München -Foto: DPA

Căng thẳng đã không ngừng gia tăng giữa người dân bản địa và người nhập cư vào nước Đức kể từ khi nước này chấp nhận gần 1 triệu người tị nạn trong cuộc khủng hoảng nhập cư hồi năm ngoái.

Sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào nước Pháp và Bỉ, nước Đức – với nhiều nét tương đồng, cũng trở thành một mảnh đất màu mỡ mà các phần tử cực toan nhắm đến.

Ông Shashank Joshi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoàng Gia nhận định: “Có nhiều nguyên nhân khiến nước Đức dễ bị tấn công. Đây là một nước lớn với biên giới mở rộng, giống như Pháp và Bỉ”.

Trong 18 tháng qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho phép hàng trăm nghìn người nhập cư và tị nạn từ Syria và Iraq nhập cư vào Đức, làm dấy lên mối lo ngại rằng các tổ chức thánh chiến có thể trà trộn vào làn sóng người nhập cư.

Cũng giống Pháp và Bỉ, Đức có một số lượng lớn dân gia nhập các tổ chức thánh chiến ở Iraq và Syria trong những năm gần đây.

Các con số thống kê ước tính khoảng 700 người Đức đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Sau đó, trong số này, nhiều người đã quay trở lại nước Đức.

Trong tháng trước, Bộ Tư pháp Đức tiết lộ, văn phòng công tố viên liên bang đã tiến hành 120 cuộc điều tra đối với 180 nghi phạm có liên quan tới cuộc nội chiến Syria, tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức khủng bố.

Quốc gia thành viên NATO này cũng đóng vai trò to lớn trong các chiến dịch quân sự chống khủng bố trong suốt 15 năm qua, khơi dậy lòng thù hận của các nhóm thánh chiến.

Đức vẫn đang tiếp tục triển khai quân ở Afghanistan, với hàng nghìn binh lính được điều động tại quốc gia này trong thập kỷ qua.

Hiện nay, Đức cũng đang đóng vai trò đầu tàu trong việc huấn luyện các chiến binh người Kurd sử dụng các vũ khí tối tân nhằm chống lại IS tại bắc Iraq.

Từ nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều vụ tấn công nước Đức có liên quan tới người Hồi giáo cực đoan, rất lâu trước khi IS xuất hiện.

Trong những năm 1990, một nhóm các phần tử thánh chiến Hồi giáo Trung Đông được biết đến với tên gọi mạng lưới Hamburg là nơi đào tạo 3 trong số những thủ phạm gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9.

Trong năm ngoái, tình báo Đức phá âm mưu đánh bom bên trong sân vận động Hanover, nơi diễn ra một trận đấu bóng đá giao hữu quốc tế.

Tháng trước, cảnh sát phát hiện âm mưu IS đánh bom liều chết tại thành phố Düsseldorf. Còn trong tuần trước, một thanh niên nhập cư bị bắn chết khi tấn công hành khách trên tàu hỏa bằng rìu và dao.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas phải thừa nhận: “Dù không sợ hãi nhưng rõ ràng nước Đức vẫn là một mục tiêu có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào”.

Theo Telegraph




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC