Tập đoàn Đức mở cơ sở sản xuất đạn mới, trong đó có đạn 35 mm dành cho pháo phòng không Gepard mà nước này viện trợ cho Ukraine.

"Rheinmetall quyết định mở dây chuyền sản xuất đạn cỡ trung mới tại Đức, trong đó có khả năng sản xuất đạn 35 mm cho tổ hợp phòng không Gepard", tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức thông báo ngày 15/12.

Cơ sở này sẽ hoàn thành tháng 1/2023 và bắt đầu sản xuất đạn dược 5 tháng sau đó, song chưa rõ địa điểm. Rheinmetall cho biết dây chuyền mới sẽ giúp "khôi phục năng lực phòng thủ của quân đội Đức và lấp đầy khoảng trống do hỗ trợ Ukraine gây ra".

1 Duc Mo Co So San Xuat Dan Phao Phong Khong Cho Ukraine

Pháo tự hành Gepard 1A2 của Đức tháng 1/2008. Ảnh: Wikimedia.

Đức đã chuyển một số tổ hợp pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard cho Ukraine. Tuy nhiên, khả năng sản xuất đạn pháo 35 mm cho các tổ hợp Gepard của Đức bị hạn chế và nước này đề nghị Thụy Sĩ cho phép chuyển 12.400 viên đạn cho Ukraine. Thụy Sĩ từ chối đề nghị với lý do thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới tính trung lập của nước này.

Rheinmetall không đề cập tới quyết định của Thụy Sĩ, song tuyên bố thiết lập dây chuyền sản xuất mới nhằm "làm nguồn cung đạn dược cho Đức thoát khỏi phụ thuộc vào các địa điểm sản xuất ở nước ngoài". Tập đoàn cho biết họ "có trách nhiệm giúp chính phủ liên bang khôi phục năng lực phòng thủ cần thiết của quân đội".

Xung đột Nga - Ukraine đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng của Đức, với việc Thủ tướng Olaf Scholz công bố quỹ trị giá 106 tỷ USD để nâng cấp lực lượng vũ trang nước này. Thủ tướng Scholz hồi tháng 9 tuyên bố sẽ biến quân đội Đức thành lực lượng được trang bị tốt nhất ở châu Âu.

Đức đã chuyển cho Ukraine pháo phòng không Gepard, lựu pháo tự hành PzH 2000, tên lửa phòng không IRIS-T, đạn chống tăng Panzerfaust 3 cùng ống phóng, tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và Strela, cùng nhiều vũ khí cá nhân, đạn dược và vật tư quân sự khác.

2 Duc Mo Co So San Xuat Dan Phao Phong Khong Cho Ukraine

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 9 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Pháo phòng không Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển từ những năm 1960 và biên chế vào những năm 1970. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.

Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC