Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa châu Âu sẽ bước vào mùa đông lạnh giá, việc bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Đức tập trung hướng tới. Đức hiện đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

1 Duc Mo Rong Hop Tac Nang Luong

Ảnh minh họa: Một trạm nén khí của Công ty khí đốt ONTRAS Gastransport ở Sayda, Đức, ngày 12/4/2022. (Nguồn: REUTERS).

Quyết tâm giải bài toán khó về năng lượng được thể hiện rõ qua hàng loạt chuyến công du nước ngoài mới đây của giới chức Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa tiến hành chuyến thăm Canada kéo dài ba ngày và đây được xem là chuyến công du nước ngoài dài nhất cho tới nay của nhà lãnh đạo nước Đức. Trọng tâm của chuyến thăm là thảo luận về hợp tác năng lượng giữa Đức và Canada, trong đó có các giải pháp năng lượng ngắn hạn bằng khí đốt cũng như thăm dò các nguồn năng lượng sạch về lâu dài như hydro xanh.

Mặc dù là nước sản xuất lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), song Canada chưa thể đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng của Đức trong mùa đông tới do thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển. Tuy nhiên, giới chức Canada khẳng định, Canada sẵn sàng dỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với các dự án xuất khẩu LNG.

Hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hydro. Hiện Canada đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất hydro xanh với sự hỗ trợ của các công viên gió quy mô lớn và hằng năm có thể xuất khẩu tới 25 triệu tấn. Đây là một triển vọng tích cực cho hợp tác giữa hai nước, khi Đức đặt nhiều hy vọng vào nhiên liệu hydro để bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thăm các quốc gia Bắc Âu là Na Uy và Thụy Điển. Na Uy là nước cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai cho châu Âu sau Nga. Với vai trò là nước sản xuất năng lượng quan trọng, Na Uy mong muốn mở rộng nguồn cung khí đốt tự nhiên, qua đó giúp Liên minh châu Âu (EU) bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Na Uy hiện cung cấp hơn 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức. Trong khuôn khổ chuyến thăm Na Uy, Thủ tướng Olaf Scholz đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Jonas Gahr Store để thảo luận về triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Trong khi đó, phát biểu tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, nhà lãnh đạo Đức khẳng định sự đoàn kết của EU khi các nước trong ngôi nhà chung, cùng nhau tìm cách đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng; cũng như nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đức với khu vực Bắc Âu. Trước đó, Đức cũng đã ký với Qatar một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn.

Đức vừa đón nhận một thông tin tích cực hiếm hoi khi các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này đã đầy hơn 75%, đạt mục tiêu sớm vài tuần so với kế hoạch. Cụ thể, Đức có hơn 23,3 tỷ mét khối dự trữ khí đốt ngầm, đạt hơn 20% mức tiêu thụ 100 tỷ mét khối trong năm 2021.

Tuy nhiên, ngay cả khi đầy các kho chứa, Đức cũng chỉ đủ dùng khí đốt cho chưa đầy ba tháng nếu bị cắt nguồn cung từ Nga. Trước tình hình cấp bách này, Đức hướng tới đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cũng như triển khai các biện pháp giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng. Một số thành phố của Đức tuyên bố cắt giảm sử dụng điều hòa nhiệt độ, khuyến khích người dân dùng phương tiện giao thông công cộng.

Theo kết quả khảo sát trên báo Spiegel, khoảng hai phần ba số người Đức được hỏi đã bày tỏ lo ngại rằng các hộ gia đình sẽ không có đủ khí đốt trong mùa đông lạnh giá sắp tới. Việc mở rộng cánh cửa hợp tác với các thị trường giàu tiềm năng như Trung Đông, Bắc Âu, châu Mỹ... là một bước đi quan trọng khi bài toán năng lượng đang ngày càng trở nên cấp bách với nước Đức.

BẢO BÌNH

Nguồn: nhandan.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC