Berlin được cho là có ý định sử dụng Liên minh châu Âu để nâng cao uy tín quốc tế và biến nước này thành một siêu cường.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Maryja của Ba Lan, chuyên gia chính trị Mieczyslaw Ryba nói rằng ở châu Âu, sau sự ra đi của người Mỹ, sự phân chia phạm vi ảnh hưởng đang diễn ra.

Theo ý kiến của ông Ryba, chính quyền Nga và Đức là những người tích cực nhất trong việc này. Trong đó, Berlin có ý định sử dụng Liên minh châu Âu - EU để nâng cao uy tín quốc tế và biến nhà nước thành siêu cường.

Chuyên gia người Ba Lan nhấn mạnh, Đức đang gây áp lực lên các thể chế thống nhất của châu Âu, để những bản kế hoạch nhằm nâng tầm quan trọng của nước này trong mắt Brussels được thực hiện càng sớm càng tốt.

"Tôi chắc chắn rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp Ba Lan được coi là không đáng kể đối với châu Âu. Nhưng nếu Tòa án Hiến pháp của một quốc gia Tây Âu lớn hơn, chẳng hạn như Đức, đưa ra quyết định tương tự, thì nó sẽ được xem xét một cách nghiêm túc", nhà khoa học chính trị nói.

Cần lưu ý, Tòa án Hiến pháp Ba Lan ngày 7/10 ra phán quyết cho biết, một số phần trong các Hiệp ước của Liên minh châu Âu không tương thích với hiến pháp Ba Lan và làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của nước này. Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Ba Lan cho rằng “một số cơ quan của EU đang hành động vượt quá khuôn khổ thẩm quyền”.

1 Duc Muon Tro Thanh Sieu Cuong Voi Cai Gia Cua Eu

Đức đang muốn thay thế Mỹ trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất tại châu Âu

Ông Ryba nhận định với sự tiếc nuối rằng theo cách này, tầm quan trọng của Ba Lan trong quan hệ với Brussels bị giảm đi đáng kể, và họ sẽ bị xếp vào nhóm các quốc gia "hạng hai".

Bình luận về bài phát biểu của Thủ tướng Ba Lan - ông Mateusz Morawiecki tại hội nghị thượng đỉnh Nghị viện châu Âu, chuyên gia Mieczyslaw Ryba lưu ý rằng chính phủ và người dân nước này đang bị đe dọa để buộc họ phải sống theo các quy tắc và luật pháp của EU.

"Đe dọa bằng biện pháp trừng phạt nhằm làm dịu các chính sách của thủ tướng đương nhiệm và toàn bộ chính phủ. Đối với tôi, dường như mục tiêu chính của EU là thay thế bộ máy lãnh đạo Ba Lan bằng những người sẽ tuân thủ và liên kết chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng của Đức", ông Mechislav Ryba cho biết.

Nhà khoa học chính trị lão luyện giải thích rằng tình trạng “bắt nạt” đã diễn ra trong nhiều năm và được coi là một phương pháp hữu hiệu đối với những quốc gia nhỏ ở châu Âu. Ông không ngần ngại nói về hoạt động chiếm đoạt quyền lực ở các nước "yếu" và tin rằng Ba Lan là lý tưởng nhất cho phương thức nắm quyền này.

"Các giá trị của chính phủ chúng tôi không phù hợp với Brussels", vị chuyên gia nói và hướng sự chú ý đến nhiều vấn đề kinh tế mà các nước EU phải đối mặt, trong khi Brussels sử dụng sự leo thang của tình hình xung quanh mối quan hệ với Ba Lan để chuyển hướng khỏi những khó khăn của việc thống nhất.

"Hoa Kỳ rời châu Âu, trong khi Nga và Đức quyết tâm gia tăng phạm vi ảnh hưởng của mình. Đức đang dùng sức ép để trở thành siêu cường. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng chính phủ Ba Lan hiện tại không phù hợp với EU và họ đang cố gắng khuất phục hoặc thay đổi toàn bộ cơ cấu quyền lực của chúng tôi", ông Mieczyslaw Ryba kết luận.

Tùng Dương

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC