"Quan hệ giữa chúng ta và Nga đã bị suy giảm rất nhiều", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với Ủy ban về Quan hệ Kinh tế Đông Âu của chính phủ Đức hôm 12/12, đề cập tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cản trở thương mại và đầu tư song phương giữa Berlin với Moskva.
Theo Thủ tướng Scholz, nếu Nga chấm dứt xung đột tại Ukraine, nước này nên được trao cơ hội nối lại hợp tác kinh tế với Đức. "Nhưng bây giờ chưa phải lúc", ông cho biết.
Ông Scholz cũng nhận định sau xung đột Ukraine, Nga vẫn là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Âu và Đức nên chuẩn bị trước cho thời kỳ đó.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Berlin hôm 12/12. Ảnh: Reuters.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Đức là quốc gia châu Âu ủng hộ nhiệt thành nhất tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Nga, quốc gia cung cấp hơn nửa lượng khí đốt mà nước này tiêu thụ. Tuy nhiên, quan hệ Berlin - Moskva bị thu hẹp đáng kể sau khi Đức cùng loạt đồng minh phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga được dùng trong ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất điện và sưởi ấm ở Đức. Sau khi đường ống Nord Stream 1 ngừng hoạt động do Nga đáp trả các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Đức đã phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác với giá cao gấp nhiều lần.
Chính phủ Đức cũng yêu cầu các cơ sở lưu trữ khí đốt phải nhanh chóng lấp đầy để ứng phó với mùa đông lạnh giá, đồng thời khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, dù điều này có thể tác động nặng nề tới nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Berlin còn là bên tích cực hỗ trợ Ukraine trong xung đột khi chuyển cho nước này loạt thiết bị quân sự như pháo phòng không tự hành Gepard, lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và một số loại vũ khí khác.
Ngọc Ánh (Theo Reuters, AA)