Giới chức Đức đã "bật đèn xanh" cho Volkswagen (VW) triển khai kế hoạch thu hồi hàng nghìn xe lắp đặt phần mềm gian lận khí thải.
Theo thông tin từ Cơ quan Giao thông Liên bang Đức, VW hiện có thể thu hồi mẫu xe Amarok dung tích xi lanh 2l để khắc phục hậu quả và cơ quan này cũng đang xem xét đề nghị thu hồi những mẫu xe khác.
Tháng 9/2015, sau khi thừa nhận lắp đặt phần mềm gian lận khí thải cho 11 triệu động cơ diesel trong các sản phẩm phân phối trên toàn cầu, hãng sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu này đã phải đối mặt với vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử hãng.
Hiện VW đang bị cơ quan chức năng ở nhiều quốc gia điều tra, trong đó có Mỹ, quốc gia đầu tiên phát hiện hành vi gian lận và hiện đang chuẩn bị đưa vụ việc ra tòa. Mỹ cũng đã từ chối đề nghị thu hồi khắc phục lỗi từ phía VW. Ngoài nguy cơ phải gánh khoản phạt lên tới hàng tỷ USD, VW cũng thiệt hại nặng trên thị trường cổ phiếu khi mất đến gần 40% giá trị cổ phiếu kể từ khi vụ việc bị phanh phui. Vụ việc cũng phần nào cho thấy EU thiếu những biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất xe hơi.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/1, Liên minh châu Âu (EU) đã có phản ứng được đánh giá là mạnh tay nhất kể từ sau vụ bê bối phần mềm gian lận khí thải của hãng sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu VW khi công bố dự luật mới về tăng cường thẩm quyền kiểm soát hoạt động sản xuất và lưu hành các phương tiện giao thông trên thị trường.
Theo dự luật này, EU có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra tại chỗ các phương tiện giao thông, yêu cầu thu hồi và xử phạt lên đến 32.600 USD/phương tiện đối với những nhà sản xuất vi phạm các quy định về môi trường trong trường hợp quốc gia thành viên không xử phạt. Cũng theo dự luật này, các quốc gia thành viên có thể yêu cầu thu hồi xe vi phạm nhưng chỉ thực hiện khi có sự đồng ý từ các quốc gia khác trong liên minh, nhằm tăng tính đối chứng khách quan.
Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng với các quy định hiện tại, cơ quan chức năng ở mỗi quốc gia chỉ có nhiệm vụ cấp giấy phép cho các phương tiện đạt tiêu chuẩn để lưu thông trên thị trường và có chức năng giám sát nhằm đảm bảo các nhà sản xuất tuân thủ quy định của EU. Mặc dù vậy, dự luật mới sẽ giúp tách biệt độc lập khâu kiểm tra trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường và tăng cường giám sát đối với những xe đang lưu hành trên thị trường.
Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen cho rằng đây là một biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo những vụ việc như của VW sẽ không tái diễn. Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải sự phản đối từ chính phủ các quốc gia thành viên và nhiều nhà sản xuất xe hơi. Văn kiện sẽ được gửi tới Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu xem xét, dự kiến có hiệu lực tức thì nếu được thông qua./.
Vietnam+