Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck. Ảnh: Tass
Bộ trưởng Habeck và các trợ lý của ông đã liên hệ với Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp (Verfassungsschutz, còn được gọi là BfV) hồi đầu năm nay, viện dẫn “sự mâu thuẫn trong các tài liệu nội bộ liên quan đến đường ống Nord Stream 2, trữ lượng khí đốt tự nhiên trong các cơ sở lưu trữ và báo cáo về an ninh năng lượng của Đức”, theo Zeit.
Các tài liệu này được cho là “thiếu hiểu biết” về quan điểm của Nga, và các lập luận nêu trong đó “đôi khi không phù hợp với đường lối chính thức của Chính phủ Đức”.
Hai quan chức bị cáo buộc đã "đi chệch" quan điểm của Bộ trưởng Habeck về việc ngừng chứng nhận Nord Stream 2, tư cách của Gazprom Germany, cũng như gói cứu trợ của nhà cung cấp khí đốt Uniper.
Kiểm tra các quan chức, BfV được cho là đã tìm thấy "những điểm bất thường về tiểu sử", chẳng hạn như một người có chuyến đi nghiên cứu đến Nga và "sự gần gũi về tình cảm với Nga".
Tuy nhiên theo Zeit, "không có bằng chứng chắc chắn nào được tìm thấy" về cáo buộc gián điệp hoặc tham nhũng. Thậm chí không có lý do nào đủ thuyết phục để xếp 2 quan chức vào diện bị giám sát.
BfV và Zeit đều không nêu tên các quan chức bị điều tra vì nhớ đến “cơn ác mộng” mà nhà ngoại giao Gerhard Sabathil đã trải qua vào năm 2020. Bị cáo buộc là gián điệp cho Trung Quốc, Sabathil chưa từng khôi phục được danh tiếng dù các cáo buộc đã được chứng minh là không có cơ sở.
Đức từ lâu đã phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga để phục vụ ngành công nghiệp của mình.
Tuy nhiên trong bài phát biểu thông báo về mức thuế khí đốt đặc biệt hôm 15/8, Bộ trưởng Habeck tuyên bố rằng mô hình này đã “thất bại và sẽ không quay trở lại”.
Cuộc điều tra dường như vẫn đang được tiến hành, nhưng kết quả dù như thế nào cũng đều có khả năng gây rắc rối cho chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz. Nếu Bộ trưởng Habeck đúng và 2 người này là “tay trong từ Điện Kremlin”, thì Nga đã thành công trong việc thâm nhập vào một trong những cơ quan quan trọng nhất ở Berlin.
Nếu Bộ trưởng Habeck sai, chính phủ của Thủ tướng Scholz sẽ phải giải thích về việc bị lôi kéo và tham gia phát động một cuộc “săn phù thủy” nhằm vào các công chức.
Minh Hạnh
Nguồn: tienphong.vn