Trong khi chính phủ Đức hành xử đẹp, tích cực với Thổ Nhĩ Kỳ thì chính quyền Ankara đang tìm cách để gia tăng thêm các căng thẳng.
Đức quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ "cấm cửa" phóng viên
Bộ Ngoại giao Đức cũng đã liên lạc với các cơ quan hữu quan của Ankara để đảm bảo hoạt động tác nghiệp cho người phóng viên Đức.
Trước đó, ông Schwenck đã tới Istanbul theo kế hoạch làm phóng sự về người tị nạn ở khu vực biên giới 2 nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tại sân bay, phóng viên này đã bị tạm giữ 12 giờ trong một đồn cảnh sát ở khu vực quá cảnh mà không bị lấy lời khai hay bị thẩm vấn. Sau đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phóng viên người Đức trở lại Ai Cập.
Thổ Nhĩ Kỳ cấm cửa phóng viên Đức nhập cảnh.
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD sau vụ việc trên, ông Schwenck cho biết bản thân ông cũng không rõ lý do chính xác của việc bị cấm nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ biết rằng ông có thể phạm tội "xâm phạm biên giới".
Phóng viên Schwenck chuyên đưa tin về khu vực Trung Đông. Ông đã nhiều lần ra vào khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để đưa tin về tình hình Syria, song lần này ông đã bị cấm nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hôm 11/4, Tổng thống Erdogan cũng nộp đơn kiện diễn viên hài Jan Boehmermann vì đã đọc một bài thơ trào phúng châm biếm về ông ngay trên sóng truyền hình quốc gia Đức thông qua một công ty luật với cáo buộc xúc phạm, phỉ báng ông.
Thổ Nhĩ Kỳ được đà lấn tới?
Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với phóng viên người Đức vào thời điểm này. Dường như Ankara đang lợi dụng cách hành xử nhân văn, tích cực của Berlin để toan tính giành thêm các đặc quyền đặc lợi.
Còn nhớ, trước vẻ phẫn nộ của Tổng thống Erdogan khi bị chế giễu, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15/4 tuyên bố nước này cho phép truy tố diễn viên hài đã viết một bài thơ xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu truy tố Jan Boehmermann. Chính phủ Đức cân nhắc vấn đề này. Vụ việc có liên quan đến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Thủ tướng. Chính phủ quyết định chấp nhận yêu cầu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Merkel nói.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về sự hạn chế quyền tự do báo chí, tự do hội họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Ankara phải tôn trọng các quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Không chỉ thế, trong một tuyên bố được đưa ra hôm 19/4 , Bộ Ngoại giao Đức còn khuyến cáo công dân của mình - du khách người Đức đang hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ, không công khai chỉ trích Erdogan. Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo họ không bày tỏ cảm tình với các tổ chức khủng bố.
Trước đó, hôm 7/4, khi các bên nghi ngờ vào thỏa thuận di cư giữa Ankara và liên minh châu Âu (EU) khó có thể đạt được khi các bên còn quá nhiều khác biệt thì nhà lãnh đạo Đức vẫn tỏ ra khá tin tưởng vào chính quyền Erdogan.
“Tôi rất hạnh phúc ngày hôm nay dù biết rằng chúng tôi vẫn chưa hoàn thành tất cả nhiệm vụ trước mắt” - bà Merkel nói tại cuộc họp báo ở miền Đông nước Pháp cùng ngày.
Trái ngược với hành động nhân văn của Berlin, Thổ Nhĩ Kỳ luôn dùng chiêu bài người di cư để ra sức ép cũng như điều kiện với các bên.
Trong một bài phát biểu tại dinh tổng thống hôm 7/4, ông Erdogan tuyên bố, nước này sẽ chỉ tiếp tục thực hiện thỏa thuận di cư nếu EU đáp ứng 3 điều kiện họ đã đưa ra, đó là tài trợ thêm 3,4 tỉ USD, đẩy nhanh tiến trình đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen của EU vào cuối tháng 6 tới.
“Có những điều kiện rõ ràng. Nếu Liên minh châu Âu không thực hiện các bước cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tuân thủ thỏa thuận”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Mới đây, hôm 18/4, Thủ tướng nước này Ahmet Davutoglu tiếp tục cảnh báo Ankara sẽ không duy trì thỏa thuận với EU về vấn đề người di cư nếu EU không thực hiện đúng các cam kết miễn thị thực du lịch cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 6 tới.
“Cho tới nay mới chỉ có 17 trên tổng số 75 đơn xin miễn thị thực được EU xét duyệt”, ông Ahmet Davutoglu nói.
Thực tế, Đức đang là nước đi đầu trong việc duy trì các thỏa thuận để giải quyết việc người di cư. Việc gia tăng thêm áp lực với Berlin vào thời điểm này, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm cách để giành thêm những đặc quyền, đặc lợi cho riêng mình.
Tuấn Hùng (Tổng hợp)