Tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết EU sẽ không đạt được mục tiêu cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo và tên lửa vào tháng 3 tới.
Đức cho rằng mục tiêu cung cấp một triệu đạn pháo và tên lửa cho Ukraine vào tháng 3/2024 khó khả thi. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trước đó tại cuộc họp ngày 20/3, bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng các nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch trị giá 2 tỷ euro (hơn 2,1 tỷ USD), trong đó có dự định cung cấp một triệu viên đạn pháo 155 mm cho Ukraine trước tháng 3/2024.
Bình luận của ông Pistorius là sự thừa nhận công khai đầu tiên của một bộ trưởng cấp cao châu Âu rằng mục tiêu sẽ không đạt được, mặc dù các nhà ngoại giao và quan chức đã bày tỏ sự hoài nghi trong nhiều tháng về mục tiêu này.
"Thật không may, những lời cảnh báo khi đó giờ đã đúng", Bộ trưởng Quốc phòng Đức phát biểu tại cuộc họp.
Ông nói thêm: "Một triệu viên đạn thì dễ nói nhưng vấn đề sản xuất thì sao".
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Đức, một số quan chức cho rằng ngành công nghiệp châu Âu không có đủ năng lực sản xuất để đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, một số người cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố liên minh không thể đạt được mục tiêu.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này đã cung cấp hơn 300.000 quả đạn pháo và tên lửa cho Ukraine trong đợt đầu tiên của kế hoạch, con số này bao gồm cả lượng đạn vận chuyển từ kho dự trữ của các nước thành viên.
Ông Borrell cho rằng một phần của vấn đề là nhiều quốc gia đang tham gia đơn đặt hàng chung các loại đạn pháo 155mm Borrell và ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã xuất khẩu khoảng 40% sản lượng sang các nước ngoài EU.
“Có lẽ chúng ta cần cố gắng chuyển hoạt động sản xuất này sang ưu tiên hàng đầu Ukraine”, ông Borrell nói.
Trong khi đó, Ủy viên công nghiệp EU Thierry Breton cho biết các công ty vũ khí đang đạt được tiến bộ trong việc tăng cường sản xuất và nhận định EU có thể sản xuất một triệu quả đạn pháo mỗi năm.
EU thông báo đã cùng các quốc gia thành viên chuyển hỗ trợ quân sự trị giá 29 tỷ USD cho Ukraine từ khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát vào tháng 2/2022. Ông Borrell hồi tháng 7 đề xuất lập quỹ hơn 21 tỷ USD để trả tiền cung cấp vũ khí cho Ukraine trong 4 năm tới.
Tuy nhiên, Đức cho biết không muốn cam kết góp nhiều tiền hơn cho quỹ của EU.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tuyên bố Berlin sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev trong năm 2024, lên mức 8 tỷ euro (tương đương 8,5 tỷ USD).
Một nguồn tin chính trị ở Berlin ngày 12/11 xác nhận liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí về nguyên tắc tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới lên mức 8 tỷ euro.
Theo nguồn tin trên, nếu được Quốc hội Đức thông qua, nơi các đảng ủng hộ Thủ tướng Scholz chiếm đa số, mức tăng này sẽ nâng chi tiêu quốc phòng của Đức lên mức 2,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt mức mục tiêu 2% GDP mà tất cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết.
Hoa Vũ (Nguồn: Reuters)